Công đoàn bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Phương Thoa
Chia sẻ
(VOV5) - Tổ chức công đoàn với vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

(VOV5) - Tổ chức công đoàn với vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập, những nỗ lực của tổ chức công đoàn góp phần giúp người lao động yên tâm làm việc, nâng cao chất lượng lao động, tạo dựng hình ảnh của lao động Việt Nam với nước sở tại, qua đó đóng góp vào quá trình phát triển đất nước.


Hàng năm, Việt Nam đưa khoảng 80 - 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc hợp pháp tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với khoảng hơn 2 tỷ USD gửi về hằng năm, người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế của chính gia đình họ và đất nước.


Nỗ lực bảo vệ người lao động

Kể từ khi Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài có hiệu lực (tháng 7/2007), việc bảo vệ quyền của người lao động được chú trọng. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài trong bối cảnh hội nhập. Tiếp đó năm 2012, Luật Công đoàn được ban hành cũng nhấn mạnh tới vai trò của công đoàn trong việc tư vấn cho người lao động về hợp đồng lao động, giải quyết tranh chấp và đại diện cho người lao động trong việc khởi kiện và tham gia tố tụng trong các vụ án lao động.


Công đoàn bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài  - ảnh 1
Ảnh: molisa.gov.vn

Trên cơ sở pháp lý đó, tổ chức công đoàn có nhiều hoạt động bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài như tổ chức các thảo chuyên đề về lao động di cư, tham gia Mạng lưới Hỗ trợ thông tin di cư lao động; cùng các Bộ, ngành triển khai các hoạt động bảo vệ người lao động di cư; tích cực đề xuất bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi ích cho người lao động di cư và quyền công đoàn trong hoạt động này. Đáng chú ý, tháng 7/2016, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Quỹ Châu Á phối hợp triển khai Dự án “Tăng cường bảo vệ quyền cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc”. Mục tiêu chung của dự án là tăng cường bảo vệ quyền lao động cho những người chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài và những người đã trở về. Theo đó, công đoàn các cấp tăng cường cung cấp thông tin và tư vấn cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường việc tiếp cận các cơ hội việc làm cho những lao động trở về; tổ chức hội thảo  nâng cao nhận thức cho những nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về các vấn đề mà người lao động gặp phải. Ông Filip Graovac, Phó Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Hà Nội, cho biết: Chúng tôi nhận thấy các cán bộ lãnh đạo ở ủy ban xã đồng thời là cán bộ công đoàn có vai trò quan trọng trong quá trình tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Họ là nơi người lao động tìm đến để làm thủ tục trước khi đi. Đây chính là đội ngũ tuyên truyền và tư vấn viên ở địa phương. Tuy nhiên, nhóm cán bộ công đoàn địa phương lại chưa hiểu sâu về các thông tin liên quan đến việc đi xuất khẩu lao động để tuyên truyền cho người lao động. Do đó một phần dự án sẽ tập trung đào tạo đối tượng này.

 
Đóng vai trò lớn hơn trong thời gian tới

Dù đã có nhiều cố gắng song thực tế phần lớn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa tiếp cận được tổ chức công đoàn. Đây là một thách thức đối với công đoàn Việt Nam. Theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội và thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), để phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động, thời gian tới, các cấp công đoàn cần tạo lập mạng lưới dịch vụ hỗ trợ cần thiết cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài. Ông Đặng Quang Điều khẳng định:     Chúng tôi sẽ trang bị kiến thức cho những người lao động để họ có đủ thông tin để lựa chọn các trung tâm đưa người ra nước ngoài làm việc uy tín nhất, phát tờ rơi để họ tìm các doanh nghiệp, có thông tin cụ thể để chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo uy tín nhất. Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Thị Kim Ngân, Trưởng Ban chính sách pháp luật - Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi, cho biết:Tại Quảng Ngãi có 75 biên chế, cấp xã cán bộ 100% là kiêm nghiệm. Thời gian tới, Quảng Ngã sẽ chọn những cán bộ công đoàn cấp xã tư vấn nhóm lao động  để đào tạo nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền để tuyên truyền tốt hơn.


Công đoàn bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài  - ảnh 2
Ảnh: Người lao động VN ra nước ngoài làm việc. Ảnh: baodansinh.vn


Để bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động di cư, đòi hỏi Việt Nam cần có bước tiến xa hơn nữa trong việc hội nhập về mặt pháp lý trong lĩnh vực này, thông qua các công việc cụ thể như ký kết các Bản ghi nhớ với các nước tiếp nhận lao động, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới gia nhập Công ước quốc tế về quyền của người lao động di cư và các thành viên trong gia đình năm 1990. Ngoài ra, tổ chức công đoàn tích cực đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; đẩy mạnh  Chương trình hợp tác giữa công đoàn Việt Nam và công đoàn các nước tiếp nhận lao động.


Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương lớn của Việt Nam để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng lao động. Trong quá trình đó, sự góp sức của tổ chức công đoàn sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động ở nước ngoài.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu