Còn mãi giá trị độc lập tự do

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 2/9 cách đây đúng 68 năm, sau thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 của Việt Nam, theo đánh giá của nhiều học giả, chính giới quốc tế, vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Theo đó, tự do và công lý luôn là khát vọng của mỗi dân tộc, ở mỗi quốc gia.

(VOV5) - Ngày 2/9 cách đây đúng 68 năm, sau thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 của Việt Nam, theo đánh giá của nhiều học giả, chính giới quốc tế, vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Theo đó, tự do và công lý luôn là khát vọng của mỗi dân tộc, ở mỗi quốc gia.

Còn mãi giá trị độc lập tự do - ảnh 1


68 năm đã trôi qua, nhưng khi đánh giá ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng 8, nhiều bạn bè quốc tế đều có chung nhận định: Không chỉ dân tộc Việt Nam mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức khác trên thế giới đều có quyền tự hào rằng lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng non trẻ đã lãnh đạo cách mạng thành công. Chiến thắng của cách mạng tháng 8/1945 đã làm nên lịch sử không chỉ riêng của Việt Nam mà còn là của cả thế giới, thể hiện khát vọng tự do và công lý của các dân tộc thuộc địa, là tấm gương và nguồn động viên đối với các dân tộc thuộc địa đứng lên giành độc lập, đánh dấu chấm hết cho Chủ nghĩa đế quốc thực dân.



Bởi vậy, mỗi năm, không chỉ hơn 86 triệu người dân đất Việt trong nước, hơn 4 triệu kiều bào trên khắp thế giới cùng vui Tết Độc lập, mà bạn bè trên thế giới cũng chung vui với Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam. Giáo sư sử học Mỹ Douglas Jardin, hiện là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Ngày Quốc khánh 2/9 có thể gọi ngày sinh nhật của dân tộc Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng ngày này còn có nhiều ý nghĩa khác nữa. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực phá bỏ xiềng xích của thực dân để trở thành một nhà nước tự do, độc lập. Bởi vậy, ý nghĩa của ngày 2/9 lớn hơn rất nhiều và nhân dân Việt Nam có quyền tự hào đặc biệt về điều đó”.



Trải qua 68 năm với nhiều biến động, thăng trầm, dân tộc Việt Nam thấm thía được giá trị của độc lập, tự do hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Để gìn giữ thành quả cách mạng, 68 năm qua, hàng triệu người dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để giang sơn thu về một mối, để đất nước vĩnh viễn độc lập, tự do, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trên Quảng trường Ba Đình mùa thu năm 1945: “Đất nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững, bảo vệ nền tự do và độc lập ấy”.


Đi lên xây dựng cuộc đời mới từ “đêm đen” của hàng trăm năm nô lệ, đi qua 2 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, thử thách chất chồng và nhiệm vụ nặng nề là điều mà không phải dân tộc nào cũng có thể trải nghiệm một cách đủ đầy. Chính vì thế, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 68 năm qua, nhất là trong hơn 27 năm đổi mới, đối với nhiều quốc gia khác được coi là kỳ tích. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng của một nước nghèo (có thu nhập trung bình mỗi người dưới 1.000 USD/năm), tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể hàng năm và là một trong những nước đi đầu thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Tổng thư ký Hội hữu nghị hòa bình và đoàn kết Mozambiq Maria Fatina cho rằng: “Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá khứ nhưng hiện tại mọi thứ đã đổi thay tích cực. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Đối với chúng tôi, những gì đã xảy ra tại Việt Nam và làm cách nào mà Việt Nam đạt được những tiến bộ trong thời đại mới thực sự là điều kỳ diệu”.


Không chỉ cải thiện về chỉ số con người, vị thế Việt Nam trên bản đồ chính trị thế giới dần được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Từ một nhà nước non trẻ mới có tên trên bản đồ thế giới, đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia, có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Đại sứ Palestin tại Việt Nam Saadi Salama Altumaizi khẳng định: “Việt Nam đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Tôi tin rằng những thành quả mà Việt Nam đạt được trong những năm qua sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam phát triển và giành được nhiều thành tựu mới. Việt Nam có đủ khả năng để thực hiện mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2020. Đối với chúng tôi, Palestin luôn theo dõi những sự phát triển của VN, coi những thành tựu của VN như là thành tựu của chính mình vì Palestin luôn ủng hộ và đoàn kết với nhân dân VN trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa”.


Đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Đó là khát vọng to lớn của cả dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, trong sự đan xen giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại, đặc biệt là những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, ý niệm về ngày Quốc khánh dường như mang một ý nghĩa sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn. 68 năm đã trôi qua nhưng ba tiếng “Ngày Độc lập” vẫn mãi mãi âm vang trong tâm khảm mỗi người dân nước Việt. Sự kiện 2/9/1945 vẫn mãi là niềm tự hào, là động lực mạnh mẽ để mỗi người Việt Nam vươn lên vượt qua khó khăn, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu