Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn khi cùng lúc với cuộc tập trận pháo binh của phía CHDCND Triều Tiên, Mỹ cũng có hai cuộc tập trận với Hàn Quốc và Nhật Bản. 

(VOV5) - Tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn khi cùng lúc với cuộc tập trận pháo binh của phía CHDCND Triều Tiên, Mỹ cũng có hai cuộc tập trận với Hàn Quốc và Nhật Bản. 


Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục căng thẳng sau khi ngày 26/4, Mỹ và Hàn Quốc chuyển các thiết bị của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vào khu vực triển khai tại huyện Seongju, cách thủ đô Seoul 300km về phía Đông Nam. Cùng thời điểm này, các cuộc tập trận bắn đạn thật Mỹ - Hàn, Mỹ - Nhật được triển khai. Những động thái trên cho thấy sẽ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo này.  



Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 1
Ảnh tư liệu: Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ USS Michigan (giữa) tới cảng Busan của Hàn Quốc ngày 25/4. YONHAP/TTXVN



Căng thẳng không ngừng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sắp thử hạt nhân lần 6 và sẽ thường xuyên thử tên lửa đạn đạo. Đáp lại, Mỹ đã điều tàu chiến và tàu ngầm áp sát bán đảo Triều Tiên, cam kết bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tuyên bố để ngỏ mọi giải pháp bao gồm cấm vận kinh tế, gây sức ép ngoại giao và không loại trừ khả năng tiến hành biện pháp quân sự đối với Bình Nhưỡng.

Vận chuyển các thiết bị THAAD tới khu vực triển khai

Tiếp sau việc đưa những bộ phận đầu tiên của THAAD tới Hàn Quốc hồi đầu tháng 3 (sau khi CHDCND Triều Tiên phóng thử 4 tên lửa đạn đạo), ngày 26/4, 6 xe tải chuyên dụng chở các thiết bị chính của THAAD, như các bệ phóng di động và bộ phận rađa, đã tiến vào huyện Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang. Tiếp đó, quân đội Mỹ bắt đầu lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối nhằm đối phó tốt hơn với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc bước đầu xác nhận đã bắt đầu triển khai toàn diện THAAD. Trong khi đó, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris cảnh báo rằng thời điểm bước ngoặt của Mỹ sẽ là khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Un có năng lực quân sự tương xứng với những lời đe dọa vẫn nhằm vào Mỹ lâu nay.

Việc Mỹ và Hàn Quốc vận chuyển các thiết bị THAAD tới khu vực lắp đặt bất chấp sự phản đối gay gắt của người dân địa phương cũng như sự chỉ trích của một số ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc. Người phát ngôn Park Kwang-on của ứng cử viên Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ theo đường lối tự do cho rằng việc triển khai THAAD như vậy là coi thường ý nguyện của người dân cũng như phớt lờ các thủ tục cần thiết. Người phát ngôn Son Kum-ju của ứng cử viên Ahn Cheol-soo thuộc đảng Nhân dân theo đường lối trung tả, đòi việc này cần được tiến hành theo luật pháp đúng như thỏa thuận giữa hai bên.

Gia tăng các cuộc tập trận

Tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn khi cùng lúc với cuộc tập trận pháo binh của phía CHDCND Triều Tiên, Mỹ cũng có hai cuộc tập trận với Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngày 25/4, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung bắn đạn thật trên biển Hoàng Hải với sự tham gia của tàu khu trục Wanggeon 4.400 tấn và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS E.Meyer của Hải quân Mỹ. Hai bên đã thực hành các hoạt động chiến thuật hỗn hợp và bắn đạn thật. Hàn Quốc và Mỹ cũng lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung quy mô lớn nữa vào khoảng cuối tháng 4 ở Biển Nhật Bản, với sự tham gia của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson. Trong khi đó, ngày 26/4, Hải quân Mỹ cho biết các máy bay thuộc nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson trên đường tới bán đảo Triều Tiên sẽ thực hiện cuộc tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) ở vùng biển phía Nam Nhật Bản khi điều kiện thời tiết cho phép. Theo tuyên bố của quân đội Mỹ, cuộc tập trận bao gồm huấn luyện trên không và chia sẻ thông tin nhằm cải thiện công tác thông tin liên lạc giữa quân đội hai bên. Động thái trên diễn ra sau cuộc tập trận kéo dài hai ngày với hai tàu khu trục Nhật Bản khi nhóm tàu USS Carl Vinson đi qua vùng biển Philippines để đến bán đảo Triều Tiên. Hải quân Mỹ cho biết hai cuộc tập trận nhằm giúp đối phó với các mối đe dọa một cách nhanh chóng.

Trước những diễn biến trên, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã đẩy Bán đảo Triều Tiên đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Bình Nhưỡng cảnh báo trong trường hợp nổ ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, Washington sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tuyên bố trên được đưa ra trước thềm cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận về các chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên tại New York, ngày 28/4.

Mặc dù gia tăng các động thái quân sự song chính quyền Mỹ cũng vừa phát đi thông điệp rằng Tổng thống Donald Trump muốn gây sức ép để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa thông qua siết chặt các biện pháp trừng phạt. Washington sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp ngoại giao để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên diễn biến vài ngày qua trên bán đảo Triều Tiên cho thấy không dễ để hạ nhiệt không khí căng thẳng tại đây.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu