Châu Âu chia rẽ trong giải cứu kinh tế

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Gói phục hồi kinh tế được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia thành viên đều chịu thiệt hại kinh tế nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid - 19. 

Sau 4 ngày đàm phán, Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của Liên minh châu Âu tại Brussels sau khi Covid - 19 bùng phát, cuối cùng cũng đã đạt được thỏa thuận về quỹ phục hồi kinh tế sau đại dich. Tuy nhiên để đạt kết quả này, Hội nghị đã phải kéo dài gấp đôi thời gian thay vì 2 ngày như dự kiến bởi những bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên. Điều đọng lại rõ nhất trong dư luận sau Hội nghị là hình ảnh một châu Âu chia rẽ, đầy mâu thuẫn khi xử lý vấn đề chung của khối.

Châu Âu chia rẽ trong giải cứu kinh tế  - ảnh 1

Các nhà lãnh đạo EU tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Brussels. (Ảnh: Reuters) 

Tổng Quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ Euro, được tạo ra bởi một khoản vay chung từ EU, nhằm mục đích vực dậy nền kinh tế châu Âu bị thiệt hại bởi đại dịch Covid-19, được kỳ vọng sẽ giúp châu Âu vượt qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Tuy nhiên, các vướng mắc lớn liên quan đến 2 vấn đề chính. Một, là tỷ lệ giữa phần trợ cấp và phần cho vay trong gói 750 tỷ euro. Vấn đề lớn thứ hai là ở cơ chế phân bổ có điều kiện nguồn tiền phục hồi, bao gồm các yêu cầu về cải cách, tôn trọng các nguyên tắc về nhà nước pháp quyền và cam kết chống biến đổi khí hậu.

Tầm quan trọng của giải cứu

Gói phục hồi kinh tế được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia thành viên đều chịu thiệt hại kinh tế nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Theo dự báo về tình hình tăng trưởng kinh tế mùa Hè do Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 7/7, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy sẽ giảm 11,2% trong năm 2020, sau đó là Tây Ban Nha (giảm 10,9%) và Pháp (giảm 10,6%). Tính chung cả khu vực sử dụng đồng tiên chung châu Âu thì mức giảm là 8,7% trong năm 2020.

Châu Âu chia rẽ trong giải cứu kinh tế  - ảnh 2 Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại hội nghị thượng đỉnh EU gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19bùng phát, tại Brussels, Bỉ ngày 20 tháng 7, 2020. (Ảnh: Reuters)

Vì vậy, theo giới quan sát, gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tương lai của các nền kinh tế châu Âu. Nếu không nhanh chóng thông qua được gói hồi phục này thì nền kinh tế nhiều nước thành viên EU sẽ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Các tập đoàn, doanh nghiệp mũi nhọn của châu Âu trong một số ngành chiến lược có nguy cơ bị thâu tóm, rủi ro chảy máu chất xám có thể diễn ra khi nhiều lao động chất lượng cao thất nghiệp hoặc bị lôi kéo sang các công ty nước ngoài. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận trước thềm Hội nghị thượng đỉnh rằng: Những giờ tới sẽ mang tính quyết định hoàn toàn tương lai của EU.

Mâu thuẫn phơi bày

Theo chương trình phân bổ gói phục hồi kinh tế cho các nước bị Covid-19 nặng nhất, Italy sẽ nhận được 81 tỷ euro, Tây Ban Nha 77 tỷ, Pháp 39 tỷ, Ba Lan 38 tỷ, Hy Lạp 32 tỷ….

Không ngoài dự đoán, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch trong những ngày diễn ra Hội nghị. 4 quốc gia theo chủ trương “thắt lưng, buộc bụng" bày tỏ sự bất bình bởi cho rằng Kế hoạch phục hồi được coi là có lợi nhất cho Italy và Tây Ban Nha, hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch nhưng luôn bị đánh giá là những nước có kỷ luật ngân sách lỏng lẻo. Do đó, điều kiện mà các nước đưa ra là duy trì các điều kiện liên quan đến việc phân bổ nguồn tiền phục hồi cũng như điều chỉnh tỷ lệ giữa phần trợ cấp và phần cho vay trả lãi.

Sự cứng rắn của nhóm nước phản đối khiến căng thẳng gia tăng giữa các nước thành viên EU. Thủ tướng Hungary, Viktor Orban chỉ trích công khai Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte là đã cố tình tấn công Hungary về chủ đề liên quan đến nhà nước pháp quyền. Ông Orban cũng tuyên bố, mâu thuẫn chủ chốt hiện nay là giữa Hà Lan và Italy và Hungary ủng hộ quan điểm của Italy là cần phải giúp đỡ những nước và khu vực chịu thiệt hại vì đại dịch Covid-19 nhanh nhất có thể. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thừa nhận rằng, mọi chuyện rất phức tạp, phức tạp hơn dự đoán. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng công nhận khác biệt giữa các bên là “rất, rất lớn”. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã phải kêu gọi các nhà lãnh đạo không phơi bày những mặt yếu của khối.

Để phòng chống dịch Covid - 19, hồi tháng 3/2020, Liên minh châu Âu từng nhất trí đóng cửa biên giới trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối; thống nhất thiết lập các "tuyến đường xanh" để đảm bảo vận chuyển hàng hóa và trang thiết bị y tế được thông suốt. Và nay, để phục hồi kinh tế, EU cuối cùng cũng đã thông qua thỏa thuận cứu trợ quan trọng, tuy nhiên tình đoàn kết nội khối, cơ sở để thành lập liên minh châu Âu, đã bị ảnh hưởng không nhỏ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu