Chặng đường 50 năm hợp tác Việt Nam - Pháp: Cùng hướng tới tương lai

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Hôm nay, tròn 50 năm Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973-12/4/2023). 

Trong 50 năm qua, vượt qua mọi biến động lịch sử, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược từ năm 2013. Đây là dịp để hai bên ôn lại chặng đường đã qua, tạo định hướng nhằm làm sâu sắc hơn Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp trong thời kỳ mới.

Chặng đường 50 năm hợp tác Việt Nam - Pháp: Cùng hướng tới tương lai - ảnh 1Một chương trình giao lưu nhân Ngày Quốc tế Pháp ngữ. Ảnh: Viện Pháp tại Huế

Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/04/1973, quan hệ Việt Nam - Pháp không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Mối quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, vượt qua khuôn khổ quan hệ song phương để nằm trong khuôn khổ quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU) với Việt Nam và nằm trong chính sách của Pháp đối với Đông Nam Á. Hai nước có đồng quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế lớn, nhất là trong các vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy sự đa dạng văn hoá và vai trò của các thiết chế đa phương trong việc điều tiết, quản lý tiến trình toàn cầu hoá.

Những điểm sáng trong quan hệ song phương

Việt Nam và Pháp có một giai đoạn lịch sử với nhiều khúc quanh và đau thương. Tuy nhiên, vượt trên tất cả, hai nước Pháp đã gác lại quá khứ, cùng nhau chia sẻ những điểm tương đồng và lợi ích chung. Việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013 đánh dấu một thời kỳ mới trong quan hệ Việt Nam và Pháp.

Kể từ khi hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau. Các cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cấp cao thể hiện quan hệ chính trị khăng khít giữa hai nước. Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp, nổi bật như: Đối thoại Chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Quốc phòng…

Khuôn khổ Đối tác chiến lược đã đem lại những thành quả hợp tác thiết thực, đưa thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục đào tạo, hợp tác địa phương… trở thành những điểm sáng trong quan hệ song phương. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp có tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn 2011 – 2019. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt trên 5,3 tỷ euro, tăng hơn 10% so với năm 2021. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, Pháp hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU. Về hợp tác đầu tư, năm 2022, Pháp là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 của Việt Nam trong EU và đứng thứ 16/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Pháp cũng là nhà tài trợ châu Âu song phương hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng viện trợ không hoàn lại (ODA) của Pháp tại châu Á.

Giao lưu văn hóa hai nước ngày càng phát triển. Hằng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, điển hình là việc hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, Viện Trao đổi văn hóa Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng. Hai nước cũng có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF).

Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược là yêu cầu khách quan và cần thiết

Nền tảng mối quan hệ chính trị và ngoại giao bền vững cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế thời gian qua sẽ tạo đà thuận lợi, góp phần xây dựng quan hệ đối tác Việt Nam - Pháp trong các lĩnh vực chiến lược trong thời gian tới, như: năng lượng, y tế, giao thông, môi trường và nguồn nhân lực.

Trước hết, quan hệ Việt Nam - Pháp đã có một sự tích lũy quan trọng cả về lượng lẫn về chất. Những kết quả tích cực đạt được cùng nhận thức chung giữa hai nước về tầm nhìn của mối quan hệ là những nền tảng quan trọng cho các đối tác hai bên tiếp tục đưa các kết nối hợp tác sâu rộng hơn. Hiện nay, Việt Nam và Pháp có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Pháp là cường quốc nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có vai trò quan trọng trong ASEAN và Đông Á. Hai nước cũng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng trong các vấn đề quốc tế. Do đó, tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp trở thành một yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, Việt Nam và Pháp đều chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới đa cực và chủ nghĩa đa phương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng, hợp tác trên tinh thần cùng có lợi, cùng nỗ lực phấn đấu vì hòa bình và phát triển bền vững bao trùm.

Việt Nam và Pháp đã cùng nhau trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm, cùng nhau vượt qua những khúc quanh để trở thành những người bạn đồng hành, tin cậy. Ngày nay, mối quan hệ này tiếp tục được 2 nước vun đắp và việc tăng cường quan hệ hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp tiếp tục là yêu cầu khách quan và cần thiết trong chặng đường sắp tới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu