(VOV5) Trong tháng 2 này, tại nhiều địa phương của Việt nam, đặc biệt là ở các tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, diễn ra một loạt Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn với sự tham dự của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều định hướng mới trong thu hút đầu tư cũng được các địa phương đưa ra nhằm cải thiện bức tranh đầu tư của tỉnh mình nói riêng, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế của cả nước trong năm 2012 nói chung.
Một trong những sự kiện xúc tiến đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt nam năm 2012 sẽ diễn ra vào cuối tháng này, tại tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, là Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh 2012. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Hội nghị sẽ có sự tham dự của gần 500 đại biểu trong và ngoài nước, là cơ hội lớn nhằm tạo ra một cú hích cho Quảng Ninh trong kêu gọi đầu tư. Tại Hội nghị này, tỉnh Quảng Ninh sẽ đưa ra các chính sách ưu đãi cụ thể với các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào 18 dự án trọng điểm thuộc 5 lĩnh vực như du lịch và dịch vụ giải trí; cảng biển, cửa khẩu và hệ thống logistic; thương mại đầu mối…
|
Du lịch - một trong những lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Internet) |
Là địa phương trọng điểm của vùng kinh tế bắc Trung bộ, tỉnh Nghệ An cũng vừa tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư lần thứ 4. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hồ Đức Phớc, trong ba năm từ 2009 đến 2011, qua các Hội nghị xúc tiến đầu tư, Nghệ An đã thu hút hơn 30 thỏa thuận đầu tư, với tổng số vốn cam kết hơn 37 nghìn tỉ đồng. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện một số dự án lớn như xây dựng cảng biển nước sâu Cửa Lò, cảng chuyên dụng Đông Hồi, nhà máy sản xuất thép Kobelco, nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập. Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư mở rộng dự án TH Truemilk trở thành dự án lớn nhất về nuôi bò sữa ở châu Á; xây dựng hạ tầng khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp nhằm thu hút các dự án lớn, phấn đấu năm 2015 Nghệ An sẽ trở thành tỉnh khá của miền Bắc.
Với từng dự án cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra các chính sách ưu đãi, cũng như các cam kết trong việc giải quyết các thách thức lớn nhất mà nhà đầu tư nói chung đang gặp phải như công tác giải phóng mặt bằng; giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật điện, nước… Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết Tỉnh đã thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp. Cơ quan này giúp việc trực tiếp cho Chủ tịch tỉnh, gồm những cán bộ có kinh nghiệm, thông thạo nghiệp vụ để trên cơ sở đó tư vấn chính xác cho lãnh đạo tỉnh. Với sự ra đời của cơ quan này, việc giải quyết thủ tục đầu tư không cần đi qua nhiều đầu mối như trước kia nữa, góp phần rút ngắn được quy trình xin phép đầu tư tại Quảng Ninh.
|
Cảng biển nước sâu Cửa Lò - một trong những dự án lớn của Nghệ An (Ảnh: Internet) |
Cũng theo ông Hồ Đức Phớc, Nghệ An đang tạo sự đột phá trong cải cách hành chính để khắc phục được nhược điểm, hạn chế trong mời gọi đầu tư. Trong năm 2012, Tỉnh tiếp tục chú trọng huy động các nguồn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời xem đây là nguồn lực hết sức quan trọng để thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra. Nhiệm vụ trọng tâm là tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, ổn định. Tỉnh cũng đã chuẩn bị các quỹ đất sạch tại khu kinh tế Đông nam, khu công nghiệp Hoàng Mai, khu công nghiệp Đông Hội để đón các nhà đầu tư. UBND tỉnh cũng đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng biển, cửa khẩu, sân bay, đường bộ…, công nghiệp dịch vụ phụ trợ, quy hoạch nguồn nguyên liệu và cùng chung sức với các nhà đầu tư.
Tại khu vực phía Nam, khởi đầu năm 2012, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án với tổng số vốn trên 29 nghìn tỉ đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Niên cho biết định hướng chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới là tập trung vào hai lĩnh vực phát triển dịch vụ hậu cần (logistic) và ngành công nghiệp phụ trợ để phục vụ cho cả vùng hoặc cả nước và xuất khẩu chứ không cho riêng địa phương. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, tỉnh thay đổi hết toàn bộ phương thức đi xúc tiến đầu tư. Đó là xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, tức là đối tượng thu hút cụ thể, đối sách phù hợp…
|
Chủ động thu hút đầu tư ngay từ những tháng đầu năm (Ảnh: Internet) |
Trên bình diện cả nước, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thế Phương, năm 2012, thông điệp của Việt Nam trong thu hút đầu tư là coi trọng chất lượng dự án hơn số vốn và số dự án đăng ký thuần túy. Muốn vậy, các địa phương phải chủ động, linh hoạt trong thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh: “Cách làm xúc tiến đầu tư cần phải thay đổi. Phải xác định đối tác mà vận động đầu tư, tạo ra môi trường đầu tư rõ ràng, minh bạch, thủ tục hành chính thông thoáng, có đầu tư trọng tâm, trọng điểm thì mới có hiệu quả trong công tác đầu tư.”
Việc các địa phương chủ động đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đặc biệt là đầu tư có trọng điểm, ngay từ những tháng đầu năm 2012, là việc làm cần thiết để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế đồng thời góp phần hoàn thiện môi trường đầu tư cũng như tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam./.
Hồng Vân