Các công ty, tập đoàn trên thế giới tham gia chống biến đổi khí hậu

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -  Làn sóng cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang diễn ra tại nhiều tập đoàn và công ty trên toàn cầu.
(VOV5) -  Làn sóng cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang diễn ra tại nhiều tập đoàn và công ty trên toàn cầu.


Lãnh đạo nhiều  tập đoàn cho biết sẽ giữ quan điểm nhất quán về việc phải giảm khí thải nhà kính có liên đới tới các nhà máy của họ. Đây là những động thái tích cực, góp phần cùng chính phủ các nước hiện thực hóa Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21, tháng 12/2015).


Các công ty, tập đoàn trên thế giới tham gia chống biến đổi khí hậu - ảnh 1
Dưới những tác động của con người, biến đổi khí hậu đang có những diễn biến phức tạp. Ảnh: baotintuc


Trong mục tiêu chung, các công ty nhận ra rằng cắt giảm sử dụng năng lượng có thể tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận. Ngày càng nhiều công ty đã bắt đầu nhận ra các hoạt động bảo vệ môi trường là một phần cốt lõi của chiến lược kinh doanh.


Tại châu Á, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định sẽ giảm khí nhà kính. Đáng chú ý là các nhà sản xuất dầu cọ cũng tham gia vào cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính bởi việc trồng sản phẩm này liên quan trực tiếp tới nạn phá rừng và ô nhiễm không khí do đốt cây dưới đất. Riêng ở Nhật, các bệnh viên, công ty lớn, trường học đều hạn chế sử dụng thang máy những giờ nhất định trong ngày và khuyến khích mọi người đi bộ nếu có thể được. Các nhà sản xuất cũng ưu tiên phát triển các sản phẩm có tuổi thọ dài hơn.


Tại Mỹ, nhiều công ty công bố cam kết giảm lượng khí thải carbon đến 50%, đảm bảo 100% năng lượng sử dụng là năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, Johnson & Johnson tuyên bố sẽ cắt giảm 80% lượng khí thải carbon vào năm 2050. Dell cho biết sẽ cắt giảm 50% phát thải khí nhà kính vào năm 2020 so với năm 2012, và 50% năng lượng sử dụng từ năm 2020 sẽ là năng lượng tái tạo. Nike có kế hoạch sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025.


Trong khi đó, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cũng thống nhất việc sử dụng hệ thống bắt buộc thu thập dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu tàu, một tín hiệu tích cực về những cam kết của IMO để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Theo hệ thống này, tàu từ 5000 GT trở lên sẽ được yêu cầu thu thập dữ liệu tiêu thụ cho từng loại nhiên liệu mà họ sử dụng cũng như các dữ liệu chuyên biệt bổ sung khác. Tổng thư ký IMO, ông Kitack Lim, cho rằng việc thông qua sửa đổi thu thập dữ liệu là đóng góp đáng kể để giảm thiểu biến đổi khí hậu.


Các hãng hàng không độc lập và ngành vận tải hàng không nói chung ngày càng có trách nhiệm hơn với tác hại do hoạt động của họ đến môi trường và cam kết làm tất cả những gì có thể để góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Jetstar Group (gồm Jetstar Pacific (Việt Nam), Jetstar Airways (Australia), Jetstar Asia (Singapore), Jetstar Japan (Nhật Bản) và Qantas Airways (Australia) triển khai Chương trình giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, kêu gọi hành khách quan tâm đến biến đổi khí hậu, chung tay bù đắp lượng khí thải trên chuyến bay của mình và cam kết quản lý hoạt động của Hãng theo cách hỗ trợ phát triển bền vững về môi trường. 


Các tín hiệu tích cực trong công cuộc chống biến đổi khí hậu đang xuất hiện. Việc nhiều công ty, tập đoàn lớn thực hiện cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kích đang góp phần tích cực vào nỗ lực chung của toàn cầu để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu