Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một bản ghi nhớ yêu cầu Bộ Tư pháp nhanh chóng soạn thảo luật cấm tất cả các thiết bị "độ" súng chuyển đổi những khẩu súng bán tự động thành súng tự động có khả năng bắn nhanh (còn gọi là bump stock). Quyết định của ông Trump hé mở hy vọng về những điều chỉnh trong kiểm soát súng đạn, một vấn đề từng gây chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ nhiều năm qua.
Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: THX/TTXVN)
|
Đề xuất quy định cấm mọi thiết bị biến những vũ khí hợp pháp thành súng máy được ông Trump giao cho Bộ trưởng Bộ tư pháp hôm 20/2 tại Nhà Trắng, đồng thời ông Trump còn nhấn mạnh chính phủ sẽ nỗ lực giải quyết tình trạng bạo lực súng đạn. Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang cân nhắc về một dự luật nhằm thúc đẩy việc tuân thủ của chính phủ liên bang và chính quyền các tiểu bang với việc kiểm tra lý lịch hình sự người mua súng. Những động thái này từ người đứng đầu Nhà Trắng được xem là một dấu hiệu mới cho thấy chính sách bạo lực về súng đạn đang chuyển hướng tích cực.
Bạo lực súng đạn gia tăng
Nước Mỹ trong hai tháng đầu năm nay không yên ổn khi xảy ra liên tiếp các vụ xả súng thảm khốc cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân vô tội, trong đó các vụ bạo lực súng đạn xảy ra tại trường học khá nghiêm trọng.
Ngày 14/2 vừa qua, cả nước Mỹ bàng hoàng trước vụ xả súng tại trường Marjory Stoneman Douglas, Parkland, bang Florida của Mỹ, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng. Thủ phạm là Nikolas Cruz, một học sinh cũ của trường. Tuổi đời khá trẻ, mới 19 tuổi, song Cruz đã biết sử dụng súng và "đam mê" súng đạn. Trước đó, tháng 1/2018, một học sinh mới 15 tuổi đã nã súng vào các bạn học tại một trường trung học ở thành phố Kentucky, miền Tây nước Mỹ, khiến hai học sinh thiệt mạng và 18 người bị thương. Hay vụ một thiếu niên đã bị thương trong vụ xả súng tại căng tin trường học ở bang Texas. Còn rất nhiều các vụ xả súng tương tự mà có lẽ vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ tháng 10/2017 mà người dân nước này chắc chắn không thể quên là vụ xảy ra tại sòng bạc Mandalay Bay ở thành phố Las Vegas, khiến 59 người dân vô tội thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Mức độ thảm khốc của vụ việc này đã chấn động toàn nước Mỹ. Thảm kịch này đã gợi nhớ vụ tấn công một hộp đêm dành cho người đồng tính nam ở Orlando, bang Florida tháng 6/2016 làm 49 người thiệt mạng.
Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay nước Mỹ đã chứng kiến tổng cộng gần 300 vụ xả súng, trong đó tỷ lệ tại các trường học và thủ phạm là học sinh, sinh viên ở mức cao. Điều này dấy lên những quan ngại về sự an toàn của môi trường học đường Mỹ, gây tranh cãi và chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ về vấn đề kiểm soát súng đạn, đồng thời gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh một quốc gia luôn nhấn mạnh đặt an ninh và trật tự xã hội lên hàng đầu.
Nhu cầu cấp bách của một đạo luật kiểm soát súng đạn
Trong một cuộc thăm dò dư luận tuần trước do trường Đại học Quinnipiac của Mỹ tiến hành, 66% người được hỏi ủng hộ thắt chặt các đạo luật kiểm soát súng đạn, trong khi số người nói "không" chỉ chiếm 31%. Đây là tỷ lệ ủng hộ kiểm soát súng đạn cao nhất kể từ năm 2008 và tăng gần 20% so với con số thống kê hồi cuối năm 2015. Danh sách các vũ khí tấn công bị cấm mà Quốc hội Mỹ thông qua kể từ 1994 đã hết hiệu lực từ năm 2004 và cho tới nay chưa có dự luật nào thay thế. Điều này cho thấy lỗ hổng lớn trong quy trình cấp phép cũng như kiểm soát sở hữu súng đạn tại Mỹ và gióng lên hồi chuông thúc giục giới chức Mỹ cần có biện pháp siết chặt súng đạn. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, đạo luật này từng được nhiều lần đưa ra bàn bạc và gây rất nhiều tranh cãi giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Bởi trên thực tế, một dự luật kiểm soát súng đạn phải vượt qua nhiều của ải, trong đó có giới Cộng hòa bảo thủ và Hiệp hội Súng đạn Mỹ (NRA).
Bởi vậy, với quyết định mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù hé mở hy vọng về những điều chỉnh trong kiểm soát súng đạn, song đây chỉ là bước tiến ban đầu để hạn chế bớt tình trạng sử dụng súng không kiểm soát ở Mỹ.