Bước tiến mới để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Điều này khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về đảm bảo quyền con người, là biểu hiện cụ thể của việc thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam. 

(VOV5) - Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Điều này khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về đảm bảo quyền con người, là biểu hiện cụ thể của việc thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam. 

Bước tiến mới để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng - ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh cùng các đại biểu và người khuyết tật

Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/12/2006, là Công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Công ước xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia Công ước nhằm bảo vệ và đẩy mạnh các quyền này. Việt Nam ký Công ước năm 2007. Việc phê chuẩn Công ước là thủ tục cuối cùng để Việt Nam trở thành thành viên Công ước.

Việc phê chuẩn Công ước có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, là thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc. Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định mạnh mẽ về quyền con người. Vì vậy, việc phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật là hết sức cần thiết. 

Trên bình diện chính trị, việc Việt Nam phê chuẩn Công ước nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền. Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung. Và việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật càng có ý nghĩa khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Trên bình diện kinh tế - xã hội, việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo việc thực hiện chính sách đối với người khuyết tật, đời sống của người khuyết tật vì thế cũng ngày càng cải thiện, cả về y tế, giáo dục, việc làm, giao thông vận tải, công nghệ thông tin…Điều này sẽ thúc đẩy khả năng và cơ hội cho người khuyết tật trong việc tìm kiếm việc làm tốt hơn, đảm bảo cuộc sống cho người khuyết tật. 

Tích cực triển khai để Công ước đi vào cuộc sống

Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Công ước, trong đó có việc đảm bảo quyền tiếp cận của người khuyết tật đối với môi trường vật chất, giao thông, thông tin và truyền thông. Sau khi phê chuẩn Công ước, sau 2 năm Việt Nam sẽ có một báo cáo quốc gia để gửi tới Liên hợp quốc, tiếp đó định kỳ 4 năm/lần, báo cáo lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về việc thực hiện của Việt Nam. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về chính sách cho người khuyết tật, Bộ lao động, thương binh và xã hội sẽ xây dựng các kế hoạch trình Chính phủ thực hiện trong 5 năm và hàng năm, phấn đấu nâng dần các tiêu chí để điều kiện sống, học tập, tiếp cận và hòa nhập của người khuyết tật được cải thiện thêm một bước nữa. Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Chúng tôi kiến nghị nghiên cứu bổ sung quy định miễn lệ phí đăng ký khai sinh cho trẻ em khuyết tật; nghiên cứu bổ sung quy định tuyển dụng người khuyết tật vào khu vực công và bảo đảm có sự điều chỉnh hợp lý tại nơi làm việc để tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc. Chúng tôi cũng để nghị Ủy ban các vấn đề xã hội giám sát việc thực hiện các công việc này.

Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật là Công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Trong quá trình thực hiện Công ước, Việt Nam có thể sẽ gặp một số khó khăn khi nguồn lực còn hạn chế. Tuy nhiên với việc đẩy mạnh các hoạt động vì người khuyết tật, tăng cường công tác kiểm tra, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của nước thành viên Công ước, giúp cuộc sống người khuyết tật thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu