Báo in và Phát thanh phải chăng đã đến lúc kết thúc sứ mạng của mình?

Vũ Hải
Chia sẻ
(VOV5) -  Báo giấy xuất hiện từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên với những tờ tin do hoàng đế Julius Ceasar cho dán ở những nơi công cộng nhiều người qua lại.

(VOV5) -  Báo giấy xuất hiện từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên với những tờ tin do hoàng đế Julius Ceasar cho dán ở những nơi công cộng nhiều người qua lại.


Nhưng tờ báo giấy đầu tiên, hay nói chính xác là tờ công báo đầu tiên, xuất hiện tại thành phố Venice (Italia) vào cuối thế kỷ XVI. Phát thanh có từ thế kỷ XVIII. Năm 1920 xuất hiện chiếc TV hoàn chỉnh đầu tiên tại Mỹ, rồi đến những năm 90 thế kỷ XX xuất hiện báo điện tử, giờ đây lại thêm mạng xã hội. Trong bối cảnh các phương thức truyền thông phát triển hết sức mạnh mẽ và đa dạng, phát thanh và báo in bị cạnh tranh khốc liệt, điều này là không thể tránh khỏi. Nhưng liệu báo in và phát thanh, hai loại hình báo chí đầu tiên của nhân loại có “chết” như dự báo của một số chuyên gia không?


Báo in và Phát thanh phải chăng đã đến lúc kết thúc sứ mạng của mình? - ảnh 1
Độc giả chọn mua báo in

Xã hội loài người không ngừng vận động, phát triển; cái mới, cái tiến bộ thay thế cái cũ, cái lạc hậu. Điều này đòi hỏi con người phải luôn luôn đổi mới. Xã hội càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ thông tin của con người cũng ngày càng cao và đa dạng. Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão, thói quen đọc, nghe, xem của con người cũng thay đổi với sự xuất hiện của những chiếc smartphone, iphone, ipad cầm tay, thay cho những tờ báo, những chiếc radio, những chiếc TV truyền thống. Với các phương tiện di động thông minh, con người hưởng thụ thông tin ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào và bằng nhiều giác quan của mình. Đó là một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận và đối mặt với nó. Đây cũng là thách thức chung của báo in và phát thanh trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.


Tuy nhiên, không phải nước nào cũng vậy, mỗi nước có những điều kiện, đặc điểm khác nhau, tâm lý của công chúng cũng khác nhau. Trong khi tại nhiều nước số lượng phát hành của báo in giảm mạnh, có nơi phải giảm thuế đối với báo in như ở Việt Nam thì tại Ấn Độ, báo in vẫn giữ được nhịp độ phát triển của mình. Các tờ báo in của tập đoàn truyền thông đa phương tiện “Thời báo Ấn độ” mang về gần 950 triệu USD trong tổng số 1,2 tỷ USD doanh thu hàng năm của tập đoàn này. Riêng tờ “Thời báo Ấn Độ” có lượng phát hành là 4 triệu bản/ngày. Tại Myanmar, 2 tờ Myanmar Alinn Daily và Miror Daily có số phát hành mỗi tờ lên tới gần 200 ngàn bản/ngày. Người dân Myanmar vẫn thích đọc báo in, dù việc phát hành cho vùng sâu, vùng xa chật vật, gian khổ, phải đến tối mới tới tay độc giả. Báo cáo Xu hướng Báo chí Thế giới 2015 của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức thế giới cho biết hiện nay khoảng 2,7 tỷ người trưởng thành trên thế giới vẫn đang đọc báo in.


Trong lĩnh vực phát thanh, đài phát thanh toàn Ấn phủ sóng trên 99% lãnh thổ. Số tiền quảng cáo và cho thuê phát sóng mang về hàng năm cho đài này gần 80 triệu USD. Tại Mỹ, có khoảng 205 trên tổng số 317 triệu dân số nghe đài phát thanh thường xuyên, doanh thu quảng cáo hàng năm từ phát thanh là 17,5 tỷ USD. Theo Cục quảng cáo Radio Mỹ, thời gian nghe đài trung bình hiện nay của người Mỹ cao nhất trong tất cả các loại hình truyền thông, trên cả internet và truyền hình. Ở Đức, trên 90% người được hỏi cho biết họ nghe đài thường xuyên. Tại Ai-len, hiện có tới 85% dân số hàng ngày nghe đài từ 2h trở lên. Tại Thụy Sĩ, trung bình một gia đình có 5 chiếc đài, tính cả đài lắp trên ô-tô cá nhân.


Nhưng trong kỷ nguyên số và internet, báo in và phát thanh đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo báo cáo của Hiệp hội báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới, cứ 10 người trẻ tuổi có 7 người xem tin tức hàng ngày và nguồn cung cấp thông tin hàng đầu cho độc giả lứa tuổi này chính là Facebook. Nhu cầu và cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng ngày càng cao và đa dạng. Sự xuất hiện của mạng xã hội buộc những người làm báo phải thay đổi tư duy về báo chí. Giờ đây, mỗi người dân vừa có thể là phóng viên, biên tập viên vừa là tổng biên tập, chủ bút của một tờ báo. Họ có thể viết tin, bài, thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản, đăng, phát  và nếu “chán” thì rút xuống, thậm chí có lúc tự đóng cửa trang mạng của mình, rồi lại lập trang khác !


Trong một “xa lộ thông tin” sôi động như vậy, công chúng có quyền lựa chọn những gì mình thích, mình quan tâm chứ không còn hoàn toàn bị phụ thuộc vào nội dung của một tờ báo hay phải nghe những gì mà đài phát. Chính vì vậy, để tiếp tục khẳng định sức sống của mình, báo in và phát thanh chỉ có một cách là phải thay đổi để thích ứng. Sự thay đổi ấy dựa trên những giá trị đã được khẳng định của các loại hình báo chí này. Đối với báo in, đó là thông tin có độ tin cậy, chính xác cao, đầy tính tư liệu, người đọc có thể chủ động thời gian, tư thế và dễ chuyền tay nhau các ấn phẩm. Đối với phát thanh, đó là một trong những phương tiện truyền thông nhanh, linh hoạt, không giới hạn về biên giới, cùng lúc đến với nhiều người, kể cả người khiếm thị, người không biết đọc, không biết viết, người đang lưu thông, đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, trên đồng ruộng... Sự thay đổi ấy còn dựa trên một đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp, yêu nghề, đam mê, không ngừng tìm tòi, sáng tạo, tiếp thu cái mới và sẵn sàng đương đầu với những thử thách.

Báo in và Phát thanh phải chăng đã đến lúc kết thúc sứ mạng của mình? - ảnh 2
Máy thu thanh số


Trong những năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những thay đổi nhằm thích ứng với kỷ nguyên số. Các kênh phát thanh đã dần đi vào hướng chuyên biệt, không ngừng cải tiến nội dung, các chương trình phát thanh ngoài việc được phát trên sóng ngắn, sóng trung và FM còn được đưa lên mạng internet, giúp người nghe có thể nghe trực tiếp hoặc nghe lại những chương trình phát thanh mà mình yêu thích ở mọi lúc, mọi nơi. Các kênh phát thanh còn lập các fanpage để tận dụng mạng xã hội trong việc quảng bá, đưa các chương trình phát thanh đến với thính giả. Cách thức tiếp cận thính giả cũng đã thay đổi. Thính giả giờ đây không còn thụ động nghe đài mà chủ động tương tác, thậm chí cùng tham gia sản xuất các chương trình phát thanh. Việc sản xuất chương trình phát thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam đã được số hóa. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã thử nghiệm phát sóng kỹ thuật số theo chuẩn HD, DAB+ và DRM. Mỗi chuẩn có lợi thế, ưu điểm riêng nhưng cũng có những hạn chế của mình. Vấn đề đặt ra là chọn chuẩn số nào: HD, DAB+, DRM hay chuẩn số nào khác nữa? Có một chuẩn số hay nhiều chuẩn số cho toàn lãnh thổ Việt Nam? Câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời nhưng xu hướng số hóa là điều tất yếu. Việc công chúng mong muốn được thỏa mãn yêu cầu thông tin của mình ở mọi lúc, mọi nơi  buộc các đài phát thanh phải đổi mới, phát triển trên cơ sở áp dụng mô hình truyền thông đa nền tảng, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Xu hướng phát thanh trên đa nền tảng sẽ giúp cho ngành phát thanh có thể tái cấu trúc theo hướng sử dụng tốt nhất các nguồn lực, đồng thời tiết kiệm được chi phí sản xuất.


Vậy báo in và phát thanh bao giờ kết thúc sứ mạng của mình? Câu trả lời là tùy thuộc vào tình hình thực tế, tâm lý công chúng của mỗi quốc gia. Nhưng có thể khẳng định rằng cho đến lúc này, trong thời đại công nghệ số và internet, báo in, phát thanh vẫn đang là phương tiện truyền thông quan trọng trong việc cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu giải trí cho công chúng. Điều quan trọng nhất và cơ bản nhất là phải luôn đặt công chúng ở ưu tiên số một cho dù phát triển trên bất kỳ nền tảng hay phương thức nào. Làm được điều đó, báo in và phát thanh sẽ luôn có chỗ đứng xứng đáng trong lòng công chúng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu