APEC 2017 sẽ mang đậm dấu ấn Việt Nam

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa, Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận vai trò nước chủ nhà APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương) năm 2017 từ Peru. Công tác chuẩn bị cho sự kiện đối ngoại quan trọng bậc nhất này đang được Việt Nam gấp rút triển khai, hoàn thành, từ chuẩn bị nội dung đến hậu cần, lễ tân, làm sao để sự kiện này mang đậm dấu ấn Việt Nam.
(VOV5) - Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa, Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận vai trò nước chủ nhà APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương) năm 2017 từ Peru. Công tác chuẩn bị cho sự kiện đối ngoại quan trọng bậc nhất này đang được Việt Nam gấp rút triển khai, hoàn thành, từ chuẩn bị nội dung đến hậu cần, lễ tân, làm sao để sự kiện này mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Đây là lần thứ hai, sau 10 năm Việt Nam đăng cai APEC. Quyết định đăng cai APEC 2017 là việc triển khai hội nhập quốc tế toàn diện và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam trong giai đoạn mới.

 

Đáp ứng yêu cầu mới của hợp tác, liên kết trong APEC

Năm APEC 2017 có ý nghĩa rất thiết thực đối với Việt Nam trong tranh thủ mạnh mẽ hơn nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, tăng cường ký kết các hợp đồng, dự án hợp tác của các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là dịp để quảng bá Việt Nam rộng rãi trên trường quốc tế. Nhận thức rõ như vậy nên Việt Nam đã triển khai công tác chuẩn bị rất sớm, khởi động từ năm 2013. Từ cuối 2013 đến 2014, Việt Nam đã thành lập Nhóm công tác liên ngành và thành lập Ủy ban quốc gia trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị cho năm APEC 2017.

APEC 2017 sẽ mang đậm dấu ấn Việt Nam - ảnh 1
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trả lời phỏng vấn (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam)



Chia sẻ về công tác chuẩn bị này, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cấp cao Ban thư ký APEC 2017, cho biết: “Cho đến nay, chúng ta đã chuẩn bị rất chu đáo trên tất cả các mảng lĩnh vực công tác. Có 8 mảng công tác, từ nội dung, lễ tân, vật chất, hậu cần cho đến công tác vận động, công tác cán bộ, chúng ta đã tranh thủ được nhiều sự ủng hộ của các đối tác, các nền kinh tế thành viên APEC. Hiện nay, chúng ta đã tham vấn trao đổi rất nhiều đợt với các bạn về công tác chuẩn bị nội dung. Sẽ có khoảng 200 hội nghị lớn nhỏ, trong đó 20 hội nghị cấp bộ trưởng trở lên và 1 tuần lễ cấp cao. Như vậy chúng ta phải tổ chức rất chu đáo, khắp cả nước, từ bắc vào nam, vừa quảng bá về đất nước vừa tạo cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp”.

 

Tuy nhiên, khác với lần đăng cai trước, bối cảnh APEC hiện nay bên cạnh những mặt thuận lợi còn có rất nhiều thách thức, đòi hỏi công tác tổ chức mọi mặt phải nâng cao hơn trước, đáp ứng yêu cầu mới của hợp tác, liên kết APEC. Vì vậy, bên cạnh chuẩn bị tốt công tác hậu cần, an ninh trong bối cảnh các mối lo về khủng bố, Việt Nam tập trung huy động nguồn lực đóng góp các sáng kiến, các nội dung phù hợp với yêu cầu mới của APEC. Bà Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cấp cao Ban thư ký APEC 2017, cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi tập trung vào các ưu tiên lớn của APEC phù hợp với yêu cầu mới tăng trưởng và liên kết. Trong đó cái lớn nhất là tăng trưởng chất lượng, kết nối, tái cơ cấu kinh tế. Điều này rất phù hợp với nhu cầu của Việt Nam và yêu cầu mới của APEC hiện nay trong bối cảnh tốc độ suy giảm kinh tế của khu vực. Đặc biệt là sáng kiến tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, sáng kiến về đào tạo nguồn nhân lực, hay vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển, kết nối vùng sâu vùng xa, nông nghiệp, an toàn lương thực, an ninh nguồn nước. Đây là những vấn đề không chỉ Việt Nam mà cả APEC đang cần”.

 

Thể hiện văn hóa hội nhập mới của Việt Nam

Năm 2017 cũng là năm đầu tiên mà các nhà lãnh đạo APEC nhất trí tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa trong khuôn khổ hợp tác APEC. Với Việt Nam, thật trùng hợp khi 2017 cũng là năm Việt Nam là chủ nhà APEC, phù hợp với chủ trương và những nỗ lực của Việt Nam trong việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam, thể hiện truyền thống nhân văn, giá trị văn hóa của Việt Nam. APEC là diễn đàn liên kết kinh tế nhưng rõ ràng trong thời đại kết nối, thế giới phẳng như hiện nay thì văn hóa và con người rất quan trọng. Gắn kết con người giữa các nền kinh tế với nhau, hiểu văn hóa của nhau hơn, từ đó thúc đẩy triển khai hợp tác kinh tế hiệu quả hơn là hướng đi của Việt Nam trong năm đăng cai APEC 2017. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh: “Trong tình hình khu vực và thế giới đứng trước rất nhiều thách thức về hòa bình và an ninh thì hơn lúc nào hết một giải pháp để bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực và thế giới là quan hệ hữu nghị giữa người với người. Càng giao lưu, càng gắn kết, hiểu văn hóa, tôn trọng lẫn nhau thì sẽ có điều kiện  tăng cường đối thoại và hợp tác, giữ gìn hòa bình. Văn hóa ở đây không chỉ giúp tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị mà nó còn giúp kết nối con người, một trong 3 thành tố cho kết nối kinh tế và liên kết khu vực rất tốt”.

 

Quyết định đăng cai APEC 2017 là chủ trương triển khai hội nhập quốc tế toàn diện và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam. APEC 2017 sẽ mang đến một hình ảnh Việt Nam đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, thân thiện, mến khách, chủ động, tích cực, đóng góp để xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương năng động, gắn kết, đóng góp cho hòa bình, phát triển, liên kết và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu