Áp thuế đối với tôm Việt Nam là đi ngược lại tinh thần tự do thương mại

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Bộ Thương mại Hoa kỳ (DOC) vừa có phán quyết cuối cùng giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ theo quyết định sơ bộ giai đoạn rà soát lần thứ 8. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế cao nhất từ trước tới nay khi đưa sản phẩm vào thị trường Hoa kỳ.Việc áp thuế đối với các sản phẩm tôm Việt Nam là không công bằng, không phù hợp với quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam- Hoa kỳ. 

(VOV5) - Bộ Thương mại Hoa kỳ (DOC) vừa có phán quyết cuối cùng giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ theo quyết định sơ bộ giai đoạn rà soát lần thứ 8. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế cao nhất từ trước tới nay khi đưa sản phẩm vào thị trường Hoa kỳ.Việc áp thuế đối với các sản phẩm tôm Việt Nam là không công bằng, không phù hợp với quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam- Hoa kỳ. 


Áp thuế đối với tôm Việt Nam là đi ngược lại tinh thần tự do thương mại - ảnh 1


Theo kết quả cuối cùng về việc áp thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam đợt 1/2/2012- 31/1/2013 (POR8) mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố, 32 công ty xuất khẩu tôm Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, Tập đoàn thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37%. Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%.Theo quy định, doanh nghiệp VN có 30 ngày để khiếu nại quyết định của DOC ra Tòa thương mại quốc tế Mỹ.

Phán quyết không công bằng, không dựa trên thực tế

Hồi tháng 3/2014, ngay khi kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) về thuế bán chống phá giá tôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ được công bố, các doanh nghiệp Việt Nam đều cho biết họ phản đối quyết định này của DOC. Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ trong quy trình sản xuất tôm xuất khẩu. Giá thành tôm xuất khẩu của Việt Nam rẻ hơn tôm Mỹ là do các doanh nghiệp Việt Nam được ưu đãi về thiên nhiên nên chi phí sản xuất thấp hơn, dẫn đến giá bán rẻ hơn. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep),  khẳng định: Vì tôm Việt Nam và tôm của Mỹ là hai mặt hàng hoàn toàn khác nhau về công nghệ sản xuất, không có tương thích với nhau. Tôm Mỹ là tôm đánh ở biển và tôm Việt Nam là tôm nuôi ở vùng đồng bằng của mình. Hai chuyện này không có liên quan đến nhau, không phải là sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với nhau. Cho nên việc này là một thủ đoạn của các nhà sản xuất ở Mỹ muốn bảo hộ bằng luật lệ của Mỹ.

Không bảo hộ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ

Trên thực tế, rõ ràng tôm nuôi nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa kỳ và tôm đánh bắt ở biển ở Hoa Kỳ là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau, dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau. Tôm nuôi có những ưu điểm mà tôm khai thác không thể có như sản lượng ổn định, chất lượng đồng đều và đảm bảo thời hạn giao hàng. Đối với người tiêu dùng, việc đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng cũng như kích cỡ đồng đều của sản phẩm là điều tối quan trọng và điều này vượt quá khả năng của các nhà cung cấp trong nước.Thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng khiến Mỹ không còn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu tôm nữa. Điều này khiến xuất khẩu vào Mỹ sụt giảm sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng vọt và kết quả là người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu thiệt.

Hơn thế nữa, vào thời điểm DOC ra phán quyết đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của VN thì tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp tôm Mỹ đang khá thuận lợi. Như vậy, ngành tôm của Hoa Kỳ không thiệt hại chút nào và tôm xuất khẩu của Việt Nam không phải là nguyên nhân để DOC áp thuế chống bán phá giá. Như vậy, việc các công ty Việt Nam xuất khẩu mặt hàng tôm vào thị trường Hoa kỳ với giá thành rẻ hơn chỉ có lợi cho người tiêu dùng Mỹ mà không gây thiệt hại và đe dọa thiệt hại vật chất cho ngành công nghiệp tôm Hoa Kỳ. 

Không phù hợp với tinh thần tự do thương mại 

Ngành chế biến và sản xuất tôm xuất khẩu đã trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm và thu nhập từ chế biến và sản xuất tôm xuất khẩu chiếm khoảng 3% GDP của Việt Nam. Việc DOC áp thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là gây thiệt hại nặng nề đối với các doanh nghiệp sản xuất tôm xuất khẩu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 600 nghìn người lao động Việt Nam. Đây còn là việc làm không công bằng, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Hoa kỳ. 

Việt Nam và Hoa Kỳ đang có quan hệ Đối tác Toàn diện. Vì vậy, các hoạt động thương mại giữa hai nước nói chung và việc áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ cần được xem xét một cách khách quan, công bằng, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người nuôi trồng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam cũng như lợi ích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối tôm ở Hoa Kỳ./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu