Ấn tượng về một kỳ họp Quốc hội có nhiều đổi mới

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Kỳ họp này để lại dấu ấn trong việc thực thi các nhiệm vụ của Quốc hội trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
(VOV5) - Kỳ họp này để lại dấu ấn trong việc thực thi các nhiệm vụ của Quốc hội trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Sau hơn 1 tháng làm việc khẩn trương và trách nhiệm, hôm nay (27/11), kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII bế mạc, hoàn thành khối lượng công việc lớn theo đúng chương trình đề ra. Kỳ họp có một số đổi mới về nội dung, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Kỳ họp này để lại dấu ấn trong việc thực thi các nhiệm vụ của Quốc hội trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật, bộ luật quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đời sống nhân dân.

Kỳ họp Quốc hội có nhiều đổi mới

Đổi mới rõ nhất tại kỳ họp Quốc hội lần này là ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Quốc hội đánh giá tổng kết lại việc chất vấn, việc thực hiện các lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Quốc hội không chọn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn cụ thể theo nhóm vấn đề như thông lệ. Ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, đánh giá: “Khác với thông lệ, câu hỏi rất rộng, mọi lĩnh vực và yêu cầu tất các thành viên Chính phủ phải trả lời bất kỳ một câu hỏi nào. Nhiều câu hỏi sắc xảo và phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri”.


Ấn tượng về một kỳ họp Quốc hội có nhiều đổi mới - ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: TRẦN HẢI


Với việc đổi mới về hình thức, chất lượng phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này được nâng lên rõ rệt. Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng:“Không khí tranh luận ở nghị trường là tương đối tốt. Lần này, ấn tượng không chỉ riêng đại biểu Quốc hội mà đối với cử tri thể hiện hiệu quả giám sát thông qua chất vấn. Đặc biệt, lần này Chủ tịch Quốc hội trả lời chất vấn, đây là điều từ trước tới nay chưa từng có. Tức là không khí dân chủ thể hiện rõ hơn”.

Những đổi mới trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này là minh chứng ngày càng hiệu quả chức năng giám sát của Quốc hội.     

Ấn tượng về một kỳ họp Quốc hội có nhiều đổi mới - ảnh 2
Đại biểu Trần Hoàng Ngân trả lời báo chí bên lề Quốc hội. (Ảnh: T.H/Vietnam+)


Một đổi mới nữa tại kỳ họp này là Quốc hội bầu một số chức danh như Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội. Đây là những thiết chế mới, góp phần hoàn thiện hoạt động của Quốc hội.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa Hiến pháp 2013

Là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII nên tại kỳ họp này, Quốc hội đặt nhiệm vụ trọng tâm vào công tác xây dựng luật để hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ. Quốc hội đã thông qua 16 Luật, 14 Nghị quyết và cho ý kiến lần đầu vào 8 dự án Luật khác, số lượng lớn hơn nhiều so với các kỳ họp trước. Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng: “Kỳ họp tiếp tục đưa tinh thần Hiến pháp 2013 vào trong đời sống với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong kỳ họp này thông qua được một số bộ luật sửa đổi rất căn bản liên quan đến quyền cơ bản của con người đó như Luật trưng cầu ý dân, Bộ luật  Hình sự, Bộ luật Dân sự… Tôi cho đấy là ấn tượng để hoàn thiện luật pháp”.

Trọng tâm bàn các biện pháp phát triển kinh tế-xã hội

Tại kỳ họp này, Quốc hội dành tới 12 ngày thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2015 và 5 năm tiếp theo. Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Chúng ta lạc quan là kinh tế tăng trưởng vượt chỉ tiêu. Lần đầu tiên trong 5 năm qua GDP năm 2015 dự báo tăng 6,5% vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 6,2%. Mặt khác quá trình tái cơ cấu kinh tế đã đạt được những kết quả nhất định rồi những luật liên quan đến kinh tế cũng đã phát huy được tác dụng”.

Các đại biểu Quốc hội nêu rõ ưu tiên trước mắt của Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Các đại biểu Quốc hội đề xuất các biện pháp thực hiện đồng bộ, quyết liệt thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại. Quốc hội cũng thống nhất trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7%/năm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở tăng ở mức khoảng 5%, đảm bảo an sinh xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu