An sinh xã hội năm 2014: điểm sáng về bảo đảm quyền con người

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2014, trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, nhưng nhiều chính sách an sinh xã hội của Việt Nam vẫn được thực thi có hiệu quả, góp phần hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân.
(VOV5) - Năm 2014, trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, nhưng nhiều chính sách an sinh xã hội của Việt Nam vẫn được thực thi có hiệu quả, góp phần hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân.

Bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu và điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước. Năm 2014, trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, nhưng nhiều chính sách an sinh xã hội của Việt Nam vẫn được thực thi có hiệu quả, góp phần hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân. 


An sinh xã hội năm 2014: điểm sáng về bảo đảm quyền con người  - ảnh 1
Quyền được học tập, sống trong môi trường trong lành, được luật pháp bảo vệ. Trong ảnh: Một lớp học của học sinh người dân tộc Ca Dong (Quảng Nam) Ảnh: T.Thành - Báo Tuổi Trẻ


 Điểm sáng trong bức tranh đảm bảo an sinh xã hội năm 2014 được thể hiện qua những con số tích cực trên nhiều phương diện như số lao động có việc làm tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, số người tham gia bảo hiểm xã hội được cải thiện, quyết định tăng lương cho người có công, người về hưu, người có mức lương thấp....   

Những con số biết nói

Trong lĩnh vực lao động, năm 2014, ước có 1,6 triệu người được tạo việc làm, tăng 3,7% so với năm 2013, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 105 nghìn người, vượt chỉ tiêu hơn 20%. Cũng trong năm qua, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo. Ngân sách nhà nước bố trí hơn 12 nghìn tỷ đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên. Việt Nam cũng đẩy mạnh việc  thực hiện chính sách hỗ trợ  đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tín dụng ưu đãi cho hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo vay vốn với doanh số gần 10 nghìn tỷ đồng. Hiệu quả là tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và các huyện, xã nghèo giảm nhanh. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước giảm 1,8 - 2%/ năm so với cuối năm 2013 (từ 7,8% xuống còn 5,8 - 6%), riêng các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm.

Quyết định tăng lương trong bối cảnh kinh tế khó khăn cho thấy nỗ lực lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc cố gắng hỗ trợ 3 nhóm đối tượng : người có công, người về hưu, người có mức lương thấp. Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Năm 2014 mặc dù rất khó khăn nhưng Nhà nước cũng quyết định dành 11 nghìn tỷ đồng để giải quyết một phần tiền lương cho những người cán bộ, công nhân viên chức thu nhập thấp và cho đối tượng người có công. Đây là một quyết định rất nhân văn, cho dù mới là một giải pháp chứ chưa giải quyết được căn cơ về vấn đề tiền lương. Do điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách nên chúng ta phải đi từng bước, tiến dần đến mục tiêu: tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu.


An sinh xã hội năm 2014: điểm sáng về bảo đảm quyền con người  - ảnh 2


 Cũng trong năm 2014, Việt Nam tiếp tục đầu tư xây mới và nâng cấp mở rộng nhiều bệnh viện, phát triển y tế biển đảo, khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập. Các loại hình bảo hiểm cho người dân ngày càng mở rộng với sản phẩm đa dạng. Ðối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng và được hưởng các chế độ và quyền lợi đúng quy định. Số người tham gia bảo hiểm xã hội  đạt hơn 11,5 triệu người. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 72% dân số. Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá: Chúng tôi thấy trong năm qua Chính phủ tập trung giải quyết chính sách xã hội rất tốt. Chúng ta dành 18% ngân sách để chi cho phúc lợi xã hội, chính sách xã hội, an sinh xã hội và chính sách người có công. Điểm sáng nhất là chúng ta đảm bảo rất tốt chính sách đối với người có công.

Tiền đề thuận lợi cho năm 2015


Năm 2015, Việt Nam đặt ra mục tiêu xã hội quan trọng, trong đó có giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,7% - 2%, tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...Để đạt các mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó chú trọng việc dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Hỗ trợ thiết thực và hiệu quả để đồng bào tăng thu nhập, thoát nghèo từ bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng, gắn với phát triển chăn nuôi và đa dạng hóa cây trồng. Nghiên cứu việc nâng mức khoán, mức hỗ trợ trong bảo vệ rừng và trồng rừng. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hiện có, nhất là về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, phát triển ngành nghề, khuyến nông, khuyến lâm và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Chính phủ đã thảo luận dự thảo Nghị định về các chính sách này và đang chỉ đạo hoàn thiện để sớm ban hành.


Cùng với những giải pháp cụ thể, việc một loạt các luật quan trọng có hiệu lực trong thời gian tới, như: Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ là những khung pháp lý quan trọng để Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.


Việc Việt Nam thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn là nỗ lực lớn của chính quyền trong năm 2014. Điều này khẳng định sự nhất quán và những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam, góp phần quan trọng để phát triển đất nước, hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân./.

 

 



Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu