(VOV5) - Việt Nam vẫn kiên trì, nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng các biện pháp hòa bình. Đây là chủ trương nhất quán, được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ. Hơn 1 tháng qua, trong khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, sử dụng tàu các loại hộ tống trong đó có cả tàu quân sự cố tình đâm va vào các tàu dân sự của Việt Nam, Việt Nam vẫn kiên trì, nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng các biện pháp hòa bình. Đây là chủ trương nhất quán, được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ. Điều này đã cho thấy đường lối đối ngoại hòa bình của Việt Nam nói chung, trong đó có chính sách an ninh biển hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, luôn hướng tới hòa bình. An ninh biển là một bộ phận của an ninh quốc gia, khu vực và thế giới. Nội hàm của an ninh biển gồm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Việt Nam có 3 mặt giáp biển là phía Đông, Nam và Tây Nam, có bờ biển dài 3.260km; có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; có gần 3.000 đảo và quần đảo lớn, nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, an ninh biển có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường. Luôn tôn trọng luật pháp quốc tế Chính sách an ninh biển của Việt Nam đã được Quốc hội và Chính phủ Việt nam xây dựng từ ngày thành lập nước, nằm trong tổng thể với chiến lược bảo vệ Tổ Quốc. Đặc biệt, đến Đại hội 11 của Đảng Cộng Sản Việt Nam, những tư tưởng, yếu tố chiến lược về đảm bảo an ninh trên vùng biển, đảo của Tổ Quốc được xây dựng một cách hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình mới. Tại Đại hội 11, Đảng cộng sản Việt Nam chú trọng đặt ra những vấn đề cụ thể trong việc kết hợp kinh tế với đảm bảo an ninh trên vùng biển đảo của Việt Nam. Tháng 6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển. Toàn bộ Luật Biển của Việt Nam phù hợp với Hiến chương LHQ, phù hợp với Công ước LHQ. Trên thực tế, để bảo đảm an ninh trên biển, Việt Nam có lực lượng trực tiếp là cảnh sát biển và kiểm ngư. Đây là 2 lực lượng chấp pháp thường xuyên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển theo quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982. Như vậy, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam đảm bảo an ninh trên biển cũng hoàn toàn phù hợp với Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982. Thiếu tướng Lê Văn Cương nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an Phó Giáo sư Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công An, cho rằng: Tất cả những nội dung cơ bản của chính sách an ninh biển hay đúng hơn là bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển đảo của Việt Nam đều căn cứ vào Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của LHQ về Luật Biển 1982. Những nội dung cơ bản của chiến lược an ninh biển của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với những văn bản của quốc tế hiện đại và nó phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại ngày nay đó là Việt Nam tham gia góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển tại khu vực Biển Đông. Vì thế chính sách này được cộng đồng quốc tế đón nhận một cách tich cực và có thể nói trên thế giới những nước như Mỹ, Nhật Bản, Nga, châu Âu, Ấn Độ đều cơ bản ủng hộ chiến lược an ninh biển của Việt Nam. Trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác. Điều này được Bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh khẳng định lại khi trao đổi với báo chí bên lề đối thoại Shangri -La 13, tại Singapore, vừa qua “Chủ trương của chúng ta là nhất quán giải quyết bằng đối thoại, bằng các biện pháp hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế, công ước Luật biển 1982 cũng như DOC. Chúng ta hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực. Chúng ta sử dụng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Nói chung lập trường của Việt Nam được các nước hoan nghênh đồng tình. Hợp tác đa phương để giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống trên Biển Đông Việc tuân thủ luật pháp quốc tế cũng được Việt Nam thể hiện trong hợp tác để giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống. Một mặt Việt Nam chủ trương phát huy nội lực, mặt khác tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với tất cả các nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Phó Giáo sư Lê Văn Cương cho biết: Vấn đề an ninh biển của Việt Nam cũng gắn với quốc tế. Trước hết là với các nước ASEAN, Luật Biển 2012 ra đời trong bối cảnh các nước ASEAN đang hướng tới hình thành cộng đồng kinh tế, văn hóa, an ninh. Chính Luật Biển và việc triển khai chính sách an ninh biển góp phần vào hình thành cộng đồng an ninh với 3 trụ cột nói trên vì thế chúng ta mới được các nước ASEAN ủng hộ. Ngoài ra tại các diễn đàn ASEAN +1, ASEAN +3, An ninh Đông Á, APEC, Việt Nam đã trình bày rõ Luật Biển và nói rằng phù hợp với quốc tế... chúng ta được hậu thuẫn và ủng hộ nhiệt thành của các tổ chức quốc tế. Tàu CSB Việt Nam lập đội hình tuần tra trên biển - Ảnh: Hoàng Sơn Song song với hợp tác quốc tế, Việt Nam cũng tăng cường công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo kịp thời tác động của an ninh phi truyền thống trên biển, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố; xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên biển kết hợp với chú trọng phát triển môi trường xanh, bền vững, đồng thời tăng cường đầu tư các nguồn lực và hoạch định cơ chế chính sách xã hội hóa trong phòng, chống thảm họa thiên nhiên, bảo vệ môi trường.Thực tế cho thấy, chính sách an ninh biển của Việt Nam với trọng tâm là tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, góp phần tích cực trong việc xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác, góp phần xây dựng môi trường hòa bình và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương./. Từ khóa: luật biểncông ướcvùng đặc quyền kinh tếsử dụng vũ lựccộng đồng quốc tếthềm lục địaASEANgiải quyết vov5 Phản hồi * Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu Gửi đi Xem thêm