(VOV5)- Chính trường Ai Cập một lần nữa lại nổi sóng với những diễn biến mới sau cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 diễn ra trung tuần tháng 6 vừa qua. Người dân Ai Cập những tưởng sẽ có một nền chính trị ổn định hơn sau bầu cử nhưng những gì đang xảy ra ở quốc gia Bắc Phi này lại cho thấy điều ngược lại, và dường như cuộc chiến giành quyền lực giữa nhiều thế lực tại Ai Cập mới chỉ bắt đầu.
Ông Mohammed Mursi (trái) và cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq đối đầu trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2
Điều đáng chú ý đầu tiên trong những ngày qua là việc cả hai đối thủ trực tiếp trong vòng bầu cử Tổng thống vòng 2, Mohammed Morsi, Chủ tịch đảng Tự do và Công lý (FJP) của tổ chức Anh em Hồi giáo và Ahmed Shafiq, cựu Thủ tướng dưới thời ông Hosni Mubarak đều tuyên bố thắng cử.
Tại cuộc họp báo ở Cairo ngày 19/6, phát ngôn viên của nhóm vận động tranh cử của cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq tuyên bố ứng cử viên này đã giành chiến thắng với 51,5% số phiếu bầu, vượt qua ứng cử viên của tổ chức Anh em Hồi giáo Mohamed Morsi.
Trước đó, ngày 18/6, tổ chức Anh em Hồi giáo cũng tuyên bố ông Morsi đã thắng cử với 52,5% số phiếu. Sức nóng trên chính trường gia tăng khi Người phát ngôn của Tổ chức anh em hồi giáo, Mahmoud Ghozlan, thẳng thừng cảnh báo về một cuộc xung đột giữa người dân và quân đội nếu ứng cử viên của mình không thắng cử. Tình hình trên khiến Ủy ban bầu cử Ai Cập đã phải kêu gọi hai ứng cử viên ngừng đưa ra các tuyên bố về kết quả bầu cử. Theo Ủy ban này, kết quả mà hai nhóm tranh cử thông báo đều không chính xác và việc công bố kết quả bầu cử (dự định công bố ngày 21/6) sẽ bị hoãn lại, vì cần thêm thời gian điều tra các khiếu nại về sự không thống nhất giữa số phiếu bầu và số cử tri đăng ký tại các điểm bỏ phiếu.
Người Ai Cập tham gia một cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Cairo (Ảnh:AFP)
Nhìn vào tình hình hiện tại ở Ai Cập trong khi cả 2 ứng cử viên Tổng thống đang khiếu nại về kết quả bầu cử thì có thể thấy bất kỳ nhân vật nào đắc cử Tổng thống chỉ có danh mà không có thực bởi quyền lực thật sự bây giờ đang nằm trong tay quân đội. Thậm chí, giới phân tích còn đặt ra câu hỏi Phải chăng Tổng thống đắc cử sẽ không là gì cả? Nói như vậy bởi vì ngay trong ngày bầu cử Tổng thống vòng 2 (17/6), Hội đồng Tối cao Các Lực lượng Vũ trang (SCAF), lực lượng đang tạm nắm quyền điều hành đất nước, đã công bố Hiến pháp sửa đổi, theo đó Hội đồng này sẽ nắm quyền lập pháp từ Quốc hội, cơ quan mà Tổ chức anh em Hồi giáo chiếm tới 47% số ghế bị toà án hiến pháp Ai Cập ra lệnh giải tán 2 ngày trước đó. Hiến pháp sửa đổi cũng chỉ rõ SCAF được phép phủ quyết hiến pháp mới và được quyền can thiệp công việc điều hành của Tổng thống. Động thái này khiến dư luận bất bình và chỉ trích SCAF đang tìm cách giữ quyền lực.
Người biểu tình Ai Cập tụ tập ở quảng trường Tahrir (Ảnh: AFP)
Nhà ngoại giao Ai Cập, nguyên giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Mohamed ElBaradei, gọi các sửa đổi Hiến pháp của SCAF là thất bại nghiêm trọng đối với dân chủ và cách mạng ở Ai Cập. Vụ việc này còn thổi bùng mâu thuẫn mới trên chính trường Ai Cập. Ngày 19/6, 15.000 người tập trung tại quảng trường trung tâm Tahrir phản đối SCAF tìm cách duy trì quyền lực. Tổ chức Anh em Hồi giáo thì huy động hàng nghìn thành viên từ các tỉnh, thành đổ về Cairo để tham gia biểu tình. Trong khi đó, các đảng Hồi giáo Ai Cập cũng quyết định kiện Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang cầm quyền (SCAF) và người đứng đầu Tòa án Hiến pháp tối cao sau quyết định của cơ quan này về giải tán Quốc hội. Những đảng này lập luận rằng Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang và tòa án không có quyền giải tán Quốc hội. Khối Quốc hội của đảng Tự do và Công lý (FJP) đe dọa đưa vụ việc ra quốc tế. Đảng Wasat cũng dọa đưa vụ việc ra quốc tế bằng cách kêu gọi các nghị viện châu Âu, Arập và những nước khác thảo luận về vấn đề này và có hành động thích hợp. Trong khi đó, đảng Nour cảnh báo điều này sẽ gây những hậu quả tiêu cực đối với đất nước.
Để đối phó với tình hình trên, quân đội Ai Cập đã tăng cường lực lượng trên tuyến đường nối giữa thủ đô Cairo và thành phố Alexandria. Đây là lần đầu tiên có số lượng xe quân sự được triển khai nhiều như vậy gần Cairo kể từ khi nổ ra làn sóng lật đổ Tổng thống Mubarak năm 2011.
Hàng trăm người tụ tập ở quảng trường Tahrir.
Trong khi kết quả bầu cử Tổng thống còn chưa ngã ngũ, chính trường Ai Cập lại rơi vào mâu thuẫn quyền lực mới, hay nói cách khác Ai Cập đang đi từ bế tắc chính trị này đến bế tắc chính trị khác. Xem ra bất ổn vẫn còn hiện diện lâu dài ở quốc gia đông dân nhất thế giới Arập này/..