Sự kiện quy tụ những nhà khoa học kiệt xuất bậc nhất đương thời ở nhiều lĩnh vực với những bài phát biểu truyền cảm hứng, tri thức và năng lượng tích cực. Thông qua sự kiện này, Quỹ VinFuture mong muốn đề cao tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu để làm nên những công nghệ đột phá có tác động trên diện rộng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao giải VinFuture 2023. Ảnh: VOV |
Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023 thu hút sự quan tâm của hàng ngàn nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nhân từ 6 châu lục. Chuỗi sự kiện được tổ chức tại Việt Nam, với địa điểm là các trường Đại học: VinUni, Đại học Bách Khoa, Đại học Y Hà Nội, Đại học Quốc gia… nhằm kết nối những trí tuệ hàng đầu thế giới với các sinh viên, cũng như cộng đồng khoa học trong nước để giao lưu và chia sẻ tri thức. Tuần lễ gồm 4 hoạt động chính: "Tọa đàm Khoa học vì Cuộc sống"; "Chuỗi Đối thoại Khám phá Tương lai VinFuture"; "Lễ trao giải VinFuture"' và "Giao lưu cùng Chủ nhân Giải thưởng VinFuture".
Trong đó, điểm nhấn là lễ trao giải VinFuture 2023 diễn ra tối 20/12, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Ban tổ chức đã vinh danh những nhà phát minh được bình chọn từ gần 1.400 dự án nghiên cứu tới từ hơn 90 quốc gia trên thế giới. Trong đó, Giải thưởng Chính VinFuture 2023 trị giá 3 triệu USD thuộc về các nhà khoa học: GS. Martin Andrew Green, GS. Stanley Whittingham, GS. Rachid Yazami, GS. Akira Yoshino với phát minh đột phá kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh thông qua việc sản xuất bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin Lithium-ion.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Tôi tin tưởng rằng trên hành trình phát triển, tham gia có trách nhiệm vào cộng đồng quốc tế, tiếp thu và kế thừa những thành quả của tri thức và khoa học tiến bộ, chúng tôi luôn có sự đồng hành, đoàn kết, hợp tác, chia sẻ và ủng hộ của bạn bè tiến bộ trên khắp thế giới. Những giải pháp khoa học hữu ích luôn là những tham khảo tốt cho Việt Nam. Một đất nước Việt Nam giàu mạnh sẽ có đóng góp nhiều hơn cho khu vực và thế giới. Chúng tôi rất hoan nghênh những nhà khoa học từ mọi miền trên thế giới đến với Việt Nam."
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao Giải thưởng chính VinFuture 2023 cho 4 nhà khoa học. Ảnh: VOV |
Trước đó, trong ngày 19 và 20/12, tại các viện, trường đại học ở Hà Nội diễn ra sự kiện "Chuỗi Đối thoại Khám phá Tương lai. Tại đây, các sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam được giao lưu với những nhà khoa học hàng đầu, như: Giáo sư Stanley Whittingham - Chủ nhân giải Nobel Hóa học 2019, và Giáo sư Martin Andrew Green - chủ nhân Giải Millennium Technology 2022… về các chủ đề: y tế toàn cầu, lỗ thủng tầng ozon ở Nam Cực, kiến tạo bền vững cho năng lượng xanh, chuyển đổi nông nghiệp, khoa học vật liệu...
Đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức, hướng đến tăng cường kết nối những trí tuệ hàng đầu thế giới với cộng đồng khoa học trong nước để giao lưu và chia sẻ tri thức, qua đó, mở ra cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ tiềm năng trên thế giới cho Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), trưởng Khoa Công nghệ Thông tin (Đại học Đại Nam), cho rằng: "Một trong những thông điệp lớn nhất là khuyến khích sự hợp tác trong khoa học. Như các Giáo sư đã nói, sự kiện sẽ mở ra rất nhiều kênh để cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam và khoa học Việt Nam kết nối với cộng đồng khoa học thế giới, đồng thời tận dụng được các nguồn lực trên thế giới để thúc đẩy khoa học Việt Nam tiến lên."
Cũng nhân dịp này diễn ra tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống”, trong hai ngày 18-19/12. Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả, nhà khoa học hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực, cùng bàn luận để tìm ra những cơ hội cho Việt Nam trong các cuộc đua toàn cầu về: công nghệ chất bán dẫn, y tế, giao thông xanh, trí tuệ nhân tạo.