Tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngọc Anh, Phương Cúc
Chia sẻ
(VOV5) - Đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung, mỗi người dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đồng bào các dân tộc thiểu số. Đáp lại ân tình đó, đồng bào các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là các dân tộc thiểu số luôn bày tỏ lòng kính trọng, thương yêu Người, cố gắng thực hiện những lời Người đã căn dặn, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số với Chủ tịch Hồ Chí Minh  - ảnh 1Tượng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo ở trong Gươl của người dân tộc Cơ Tu xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Anh

Nghe âm thanh tại đây:

 

Để tỏ lòng tôn kính, biết ơn và nhớ thương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào các dân tộc Xơ Đăng, Cor, Ca Dong, Pa Kô, Bh'noong… sinh sống ở các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đều tự nguyện mang họ Hồ. Đồng bào lấy họ Hồ làm họ tộc và coi đó là cách tri ân, ghi nhớ công lao đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh Hồ Văn Huân, dân tộc Xơ Đăng ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Nếu không có Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không có đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình, bà con ấm no, hạnh phúc. Đã là con cháu Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi thì phải học hành chăm ngoan, học tập làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xưa kia, ông bà, bố mẹ theo Cách mạng, cũng mang họ Hồ. Tôi rất vui vì bản thân mình mang họ Hồ. Được mang họ Hồ, sau này con cháu của mình cũng được mang họ Hồ, rất tự hào".

Trong mỗi câu chuyện, việc làm, đồng bào dân tộc thiểu số đều nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ. Tại trụ sở các cơ quan nhà nước treo các băng rôn, khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”...  Còn ở nhà dân, nhà nào có điều kiện thì  trong nhà đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chưa có điều kiện thì treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vị trí trang trọng hoặc đặt trên bàn thờ gia đình. Ông Hồ Văn Đề, dân tộc Bh'noong ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, kể: "Từ xưa đến nay, người dân tự hào mang họ Hồ. Bố tôi cũng mang họ Hồ vì nhớ ơn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo xây dựng đất nước, đảm bảo cho nhân dân có cuộc sống ấm no".

Tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số với Chủ tịch Hồ Chí Minh  - ảnh 2Cờ tổ quốc được treo ở khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Anh

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Nhân dân Việt Nam ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân Việt Nam rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù”. Thực hiện lời dạy của Người, đồng bào các dân tộc đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp. Ông Hồ Văn Hạnh, người dân tộc Pa Kô ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, bày tỏ: "Mang họ Hồ là phải xứng đáng với họ Hồ. Tức là làm tất cả đều những việc gì tốt cho dân làng. Việc gì không tốt, trái với đạo lý và pháp luật là không được làm".

Đồng bào các dân tộc Việt Nam một lòng hướng về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với đồng bào, có Đảng, có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước mới có hòa bình, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ông Hồ Văn Ny, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có đất nước. Vì vậy, con cháu mình phải học giỏi, xây dựng đất nước giàu đẹp".

Đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung, mỗi người dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại. Người hết lòng vì nước, vì dân, dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng Người vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung, và trong tâm trí đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu