Người khuyết tật trẻ vượt qua rào cản, nỗ lực khởi nghiệp

Nguyễn Thảo, Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Với sự năng động, sáng tạo, cùng với gu thẩm mỹ tinh tế của Chi và Hiếu, những sản phẩm của Chạm vào Xanh được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao.

Khởi nghiệp là chặng đường đầy khó khăn, thử thách đối với mỗi chủ doanh nghiệp. Với người khuyết tật, khởi nghiệp còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, bằng ý chí và nghị lực, vẫn có nhiều người khuyết tật đã vượt qua những rào cản để thay đổi cuộc đời của chính mình và mang lại việc làm, niềm vui cho những người có chung hoàn cảnh. Chạm Vào Xanh, doanh nghiệp xã hội do người mắc chứng bại não (Cerebral Palsy - CP) sáng lập và vận hành đầu tiên tại Việt Nam, là minh chứng cho điều đó.

Người khuyết tật trẻ vượt qua rào cản, nỗ lực khởi nghiệp - ảnh 1Những sản phẩm đặc biệt được làm từ chính đôi tay khéo léo của những người khuyết tật trong doanh nghiệp xã hội Chạm vào Xanh - Ảnh: VOV
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Tới thăm nơi trưng bày “Chạm vào Xanh” tại tầng 1, tòa nhà N04-B2, đường Thành Thái, Cầu Giấy, Hà Nội, ai cũng ấn tượng với những món đồ trang trí gia đình, xinh xắn, độc đáo được làm thủ công từ len và sợi, hay những bức tranh sinh động, đầy màu sắc tươi sáng được treo trong gian phòng nhỏ. Đây là những sản phẩm đặc biệt được làm từ chính đôi tay khéo léo của những người khuyết tật trong doanh nghiệp xã hội Chạm vào Xanh do Lưu Thị Hiếu và Nguyễn Thùy Chi, cùng mắc chứng bại não (Cerebral Palsy - CP), đồng sáng lập.

Chạm vào Xanh được hai cô gái 9x thành lập từ tháng 10/2022, với mong muốn tạo việc làm cho chính mình cũng như những người cùng cảnh ngộ. Chia sẻ về ý nghĩa của tên gọi Chạm vào Xanh, Lưu Thị Hiếu cho biết: "Xanh lá là màu đại diện cho cộng đồng người CP trên thế giới. Chạm không là phải xúc chạm, mà là sự kết nối. Đó là việc những người như chúng mình gặp gỡ nhau, cùng đi chung trên 1 con đường. Chạm vào Xanh là nơi gặp gỡ của cộng đồng CP nói riêng và cộng đồng người khuyết tật nói chung, để cùng nhau phát triển, cùng nhau tạo ra mô hình hỗ trợ các bạn khuyết tật 1 cách tốt nhất, để các bạn tự tin hơn, đi ra ngoài nhiều hơn, gặp gỡ mọi người nhiều hơn".

Giống như nhiều doanh nghiệp khác. Chạm vào Xanh cũng trải qua quãng thời gian khó khăn trong việc giải quyết bài toán vận hành cũng như tìm được chỗ đứng trên thị trường đồ thủ công. Tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo, cùng với gu thẩm mỹ tinh tế của Chi và Hiếu, những sản phẩm của Chạm vào Xanh được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao.

Người khuyết tật trẻ vượt qua rào cản, nỗ lực khởi nghiệp - ảnh 2

Thùy Chi chia sẻ: "Chạm vào Xanh tuy là 1 mô hình kinh doanh của người khuyết tật, nhưng chúng mình luôn đặt yếu tố về chất lượng sản phẩm lên trên hết. Sản phẩm đưa ra thị trường là những sản phẩm đạt yếu tố về thẩm mỹ và chất lượng. Mình biết mình còn rất non trẻ. Vậy thì phải làm sao để có được chỗ đứng trong hành trình này? Chúng mình phải nỗ lực khẳng định bằng những cái gì mà chúng mình đang có. Sản phẩm của chúng mình là cái gì? Thương hiệu của chúng mình ở đâu? Và giá trị mang lại của chúng mình là như thế nào? Những bài toán đó được chúng mình giải quyết theo thời gian cùng với sự kiên trì và bền bỉ, cùng với sự nỗ lực của tất cả mọi thành viên".

Chạm vào Xanh có khoảng 10 thợ móc và họa sĩ vẽ tranh là những người khuyết tật ở nhiều địa phương trên cả nước. Sản phẩm của các thành viên sau khi làm xong theo đợt sẽ gửi về Chạm vào Xanh để trưng bày và bán tại các hội chợ, các không gian giao lưu văn hóa và trên kênh bán hàng online. Sau hơn 1 năm rưỡi đi vào hoạt động, Chạm vào Xanh không chỉ là doanh nghiệp cho người khuyết tật mà còn thành công trong việc xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, thân thiện và hòa nhập cao với mục tiêu lâu dài là tiếp tục khơi dậy sức sáng tạo ở mỗi người khuyết tật.

Trần Thị Thúy Vinh, nhân viên móc len tại Chạm vào Xanh, cho biết bạn rất vui khi thấy những sản phẩm của mình được trưng bày và bán tại cửa hàng. Các sản phẩm cho thấy sự nỗ lực, tiến bộ của Vinh và cũng mang đến cho bạn khoản thu nhập đầy khích lệ. "Trước đây, chưa bao giờ mình có lương. Nhưng bây giờ mình đã có những đồng lương do chính tay mình làm ra nên mình rất vui. Mình nhớ nhất lần đâu tiên được các bạn chuyển khoản và mình đã đóng được tháng tiền điện đầu tiên giúp mẹ. Mẹ rất vui. Mình mong ước tay nghề sẽ ngày 1 khá hơn, có nguồn thu nhập nhiều hơn để đỡ đần mẹ" - Vinh nói.

Lợi nhuận từ kinh doanh còn được Chi và Hiếu trích 1 phần để đầu tư vận hành dự án nâng cao năng lực cho chính những người khuyết tật trưởng thành, sống độc lập, để các thành viên có thêm động lực, tích cực làm việc để tạo ra giá trị cho xã hội.

Chạm vào Xanh đã mở ra không gian, môi trường giao tiếp và hòa nhập cho cộng đồng người khuyết tật, cũng như giúp cộng đồng người khuyết tật thêm cơ hội tự chủ kinh tế. Những thành công ban đầu của doanh nghiệp xã hội này đã khẳng định người khuyết tật có khả năng khởi nghiệp và có thể thay đổi cuộc đời.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu