Vệ tinh Vinasat 2: đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Vệ tinh viễn thông thứ hai của Việt Nam (VINASAT-2) vừa được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông từ bãi phóng Kouru ( Guyana , Nam Mỹ). Tới tháng 7/2012, sau khi được Mỹ chuyển giao công nghệ, Việt Nam sẽ chính thức vận hành, sử dụng, khai thác vệ tinh VINASAT-2. Với dung lượng lớn hơn và tầm phủ sóng rộng hơn vệ tinh VINASAT-1, vệ tinh VINASAT-2 sẽ phục vụ hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

(VOV5)- Vệ tinh viễn thông thứ hai của Việt Nam (VINASAT-2) vừa được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông từ bãi phóng Kouru ( Guyana , Nam Mỹ). Tới tháng 7/2012, sau khi được Mỹ chuyển giao công nghệ, Việt Nam sẽ chính thức vận hành, sử dụng, khai thác vệ tinh VINASAT-2. Với dung lượng lớn hơn và tầm phủ sóng rộng hơn vệ tinh VINASAT-1, vệ tinh VINASAT-2 sẽ phục vụ hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Vệ tinh Vinasat 2: đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước - ảnh 1
Tên lửa Ariane 5 mang theo vệ tinh VINASAT-2 rời khỏi
bệ phóng lúc 5 giờ 13 phút - Ảnh chụp màn hình từ video của Arianespace



Dự án VINASAT-2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12/2009, giao cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam làm chủ đầu tư với kinh phí từ 260 - 280 triệu USD. Vệ tinh VINASAT-2 do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất, có tuổi thọ thiết kế 15 năm, tầm phủ sóng tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar.


Theo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, trước đây khi Việt Nam chưa có vệ tinh VINASAT-1, Việt Nam phải thuê vệ tinh viễn thông nước ngoài rất tốn kém (từ 10 - 15 triệu USD/năm). Tính tới nhu cầu phát triển của các bộ, ngành trong những năm tiếp theo thì số tiền phải chi thuê vệ tinh nước ngoài sẽ còn lớn hơn rất nhiều.


Vì vậy, việc Việt Nam có vệ tinh riêng không những giúp Việt Nam chủ động về thông tin truyền thông mà còn góp phần tiết kiệm đáng kể ngân sách nhà nước và các các đơn vị kinh doanh viễn thông, công nghệ thông tin trong nước. Cả hai quả vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 đều có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là công nghệ khung A 2.100 của Mỹ, nhưng vệ tinh VINASAT-2 có dung lượng lớn hơn 20% so với dung lượng VINASAT-1, tầm phủ sóng của VINASAT-2 cũng rộng hơn VINASAT-1. Vì vậy, hiệu quả kinh tế-xã hội của VINASAT cũng sẽ hơn VINASAT-1.


Đặc biệt, vị trí quỹ đạo của VINASAT-2 (131,8 độ Đông) rất gần với vị trí của VINASAT-1 (132 độ Đông) nên các ăngten thu tín hiệu vệ tinh VINASAT-1 đều có thể thu được tín hiệu vệ tinh VINASAT-2 mà không cần phải chỉnh hướng. Vai trò của VINASAT-2 không chỉ đảm bảo an toàn tuyệt đối hệ thống thông tin liên lạc mà còn đáp ứng nhu sử dụng các dịch vụ viễn thông, phát thanh, truyền hình vệ tinh… nhất là trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão hiện nay.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi theo dõi trực tiếp phóng vệ tinh nhấn mạnh:
“Cùng với vệ tinh VINASAT-1, vệ tinh VINASAT-2 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng thông tin và truyền thông quốc gia, đưa thông tin đến tất cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai. Việc phóng vệ tinh VINASAT-2 thành công là một bước đi tiếp quan trọng trên lộ trình thực hiện Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, truyền thông.”


Còn ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, ví hai quả vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 như một đường cao tốc trong lĩnh vực phát triển viễn thông của Việt Nam, khẳng định tính đúng đắn trong định hướng phát triển Bưu chính Viễn thông Việt Nam đến năm 2020. “Dự án vệ tinh VINASAT-2 nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia tăng cường năng lực hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh của thị trường trong nước. VINASAT-2 góp phần khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh của ngành công nghệ thông tin Việt Nam.”


Là một quốc gia biển, với chiều dài bờ biển hơn 3000 km. Ngành kinh tế biển ngày càng khẳng định là ngành kinh tế chiến lược, mũi nhọn của đất nước. Việc phóng vệ tinh VINASAT-2 cũng nằm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam tới năm 2020. Vệ tinh VINASAT-2 sẽ cung cấp các dịch vụ thông tin liên lạc chính xác, nhanh chóng cho tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, giúp định vị, ứng cứu khẩn cấp trong trường hợp tàu, thuyền gặp thiên tai, bão biển, đồng thời phục vụ đắc lực việc thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí dưới biển. 

Vệ tinh Vinasat 2: đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước - ảnh 2
Tách thành công VINASAT-2 khỏi tên lửa đẩy Ariane 5 - Ảnh chụp từ màn hình VTV1(thanhnien.com.vn)


Về hiệu quả kinh doanh cũng như VINASAT-1, với tuổi thọ 15 năm, VINASAT-2 có khả năng thu hồi vốn sau 10 năm, 5 năm tiếp theo sẽ có lợi nhuận lớn. Theo ông Hồ Công Lâm, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế, đơn vị được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giao nhiệm vụ kinh doanh dịch vụ của VINASAT-2, dự án VINASAT-2 không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà còn vươn tới thị trường khu vực Đông Nam Á mà trước mắt là thị trường Campuchia, Lào. “Trước tiên chúng phục vụ đất nước, hướng tới phục vụ khách hàng trong nước. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng đối tượng khách hàng sang các nước lân cận, kể cả hình thức liên doanh, liên kết, làm sao tăng sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả kinh doanh cao nhất.”


Đã có nhiều đối tác trong nước và nước ngoài đàm phám sơ bộ với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về nhu cầu sử dụng dịch vụ của VINASAT-2. Nhóm khách hàng trong các lĩnh vực: Viễn thông, internet, phát thanh, truyền hình, dầu khí, ngân hàng… sẽ là những đối tác chiến lược trong phương án kinh doanh của VINASAT-2.

Vệ tinh VINASAT-2 tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ làm chủ vệ tinh viễn thông riêng của Việt Nam , khẳng định chủ quyền quốc gia trong không gian. Vệ tinh VINASAT-2  không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn mà còn tăng cường an ninh, quốc phòng cho đất nước./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu