Chợ tình Xuân Dương: Lễ hội đặc sắc của đồng bào Nùng ở Bắc Kạn

Công Luận- Diễn Vy
Chia sẻ
(VOV5) - Du khách thập phương đến lễ hội được thưởng thức các làn điệu then, Sli, lượn, đàn tính trữ tình ngọt ngào và các trò chơi dân gian.

Chợ tình Xuân Dương là lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng ở xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Lễ hội có lịch sử lâu đời cùng với nhiều nét sinh hoạt văn hóa văn nghệ độc đáo riêng có. Đặc biệt, Chợ tình là dịp để những đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau hoặc những người bạn cũ có dịp gặp lại, hò hẹn bên câu hát Sli đằm thắm.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Chợ tình Xuân Dương bắt nguồn từ sự tích đôi vợ chồng yêu thương nhau nhưng phải chia cắt, không được sống cùng nhau. Cảm động trước tình cảm của họ nên người dân trong thôn bản đồng ý để hai vợ chồng cũ có một ngày ôn lại chuyện xưa và chọn thửa ruộng dài (tiếng Tày, Nùng gọi là Nà Lì hay Na Rì) của vợ chồng nhà nọ làm nơi tụ họp. Đó là ngày 25/3 (Âm lịch). Ruộng dài (Nà Rì) sau này được đặt tên cho huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn ngày nay. Từ đó đến nay, Chợ tình Xuân Dương từ chỗ để những người yêu cũ gặp nhau và đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của những người quen, người anh em họ hàng, người bạn cũ.    
Chợ tình Xuân Dương: Lễ hội đặc sắc của đồng bào Nùng ở Bắc Kạn - ảnh 1Những điệu hát sli đối đáp, trao duyên là linh hồn của ngày chợ tình Xuân Dương. Ảnh: VOV

Đêm trước khi diễn ra Chợ tình Xuân Dương, ngôi nhà của Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ, ở thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương, rộn ràng tiếng cười nói, tiếng hát Sli của những thành viên Câu lạc bộ (CLB) hát Sli của xã Xuân Dương. Các thành viên ôn lại những điệu hát, những câu đối đáp giao duyên để ngày hôm sau, trong chợ tình có thể giao lưu với các nghệ nhân hát Sli đến từ tỉnh bạn. 

Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hồ cho biết: "Tôi từ 16 tuổi đã hát, đi theo các chú, các bác ra chợ hát. Vợ chồng tôi cũng từ hát Sli mà quen biết và yêu thương, lấy nhau đấy. Hát Sli ngày Chợ tình thì thường hát ở bờ sông, gốc cây, bãi ngô… từng đôi một hát với nhau. Nội dung thì giờ ai cũng có gia đình riêng rồi nên hỏi nhau về cuộc sống của bạn ra sao, của mình như thế nào."

Ở Chợ tình Xuân Dương, hát Sli là một phần không thể thiếu của ngày hội. Thông qua những câu Sli ngọt ngào, họ truyền tải tình cảm, sự quan tâm đến cuộc sống của nhau. Đầu tiên là những bài hát chào mời thăm hỏi, sau đó là những bài hát trao đổi tâm, tư tình cảm. Đây chính là giai đoạn lôi cuốn nhất của hát Sli, khi hai bên đối đáp xoay quanh cuộc sống hằng ngày. "Đến chợ tình, những đôi trai gái cùng những điệu hát Sli giao duyên này, thì nhiều người đã nên vợ nên chồng đấy. Hôm nay đến chợ được gặp lại các bạn cũ, đông đủ thế này, tôi rất vui."

"Tại phiên chợ tình, anh em, bạn bè chúng tôi lâu lắm mới lại được gặp nhau đông đủ. Chúng tôi rất vui, phấn khởi và cảm thấy không khí ở đây thật tuyệt vời."

Chợ tình Xuân Dương: Lễ hội đặc sắc của đồng bào Nùng ở Bắc Kạn - ảnh 2Chợ tình Xuân Dương được tổ chức vào ngày 25/3 âm lịch hàng năm. Ảnh: VOV

Năm 2021, điệu hát Sli của người Nùng xã Xuân Dương, đã được công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia. Từ truyền thống văn hóa tốt đẹp và ý nghĩa của lễ hội, Bắc Kạn đã có kế hoạch bảo tồn, phát huy lễ hội này để phục vụ phát triển du lịch của địa phương.

Ông Hà Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Kạn, cho biết: "Chợ tình năm nay, chúng tôi tái hiện lại màn hát giao duyên xưa với 100 cặp nam, nữ hát liên tục để du khách trải nghiệm. Ngoài điệu hát Sli, ở đây có nhiều văn hóa vật chất như những nếp nhà sàn truyền thống, hang động, trang phục, ẩm thực, văn hóa tín ngưỡng… khá đậm đặc. Chính vì vậy, Bắc Kạn chọn Xuân Dương là một trong những điểm triển khai Dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản làng truyền thống gắn với phát triển du lịch."

Ngày nay, chợ tình Xuân Dương có thêm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút nhiều người dân tham gia. Du khách thập phương đến lễ hội được thưởng thức các làn điệu then, Sli, lượn, đàn tính trữ tình ngọt ngào và các trò chơi dân gian, như: lày cỏ, tung vòng cổ vịt, đi cà kheo..., thưởng thức các loại ẩm thực địa phương. Trong đó làn điệu hát Sli và không gian hát Sli độc đáo vẫn là linh hồn của ngày hội, là thứ âm nhạc kết nối những người tâm hồn đồng điệu tìm về bên nhau.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu