Lễ ra mắt chương trình phục dựng di ảnh cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hi sinh hoặc có công trong kháng chiến

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) -  Nhóm họa sĩ trẻ của “Trái tim người lính” đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), để phục dựng những chân dung di ảnh màu sống động và cung cấp cho bạn đọc.

Sáng nay (22/4), tại Hà Nội, Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức lễ ra mắt Chương trình phục dựng di ảnh cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hi sinh hoặc có công trong kháng chiến.

Lễ ra mắt chương trình phục dựng di ảnh cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hi sinh hoặc có công trong kháng chiến - ảnh 1

Một số bức ảnh phục dựng

Trong thời chiến, nhiều chiến sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức khi hi sinh đã không để lại di ảnh thờ. Nếu có, thì đó là những bức ảnh đen trắng, chất lượng rất hạn chế, vì đã nhòe mờ bởi thời gian. Nhằm góp phần tri ân những chiến sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức đã ngã xuống vì quê hương đất nước, hoặc có công trong thời chiến, nhóm họa sĩ trẻ của “Trái tim người lính” đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), để phục dựng những chân dung di ảnh màu sống động và cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn mới về những anh hùng liệt sĩ, những người nổi tiếng, đã có công với quê hương đất nước.

Lễ ra mắt chương trình phục dựng di ảnh cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hi sinh hoặc có công trong kháng chiến - ảnh 2

Tự truyện “Phượng”

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người khởi xướng Chương trình phục dựng di ảnh cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hi sinh hoặc có công trong kháng chiến, cho biết: Cách đây 3 năm, xuất phát từ câu chuyện người con gái của liệt sĩ Phạm Văn Bái, khát khao được biết hình ảnh người cha, hơn nửa thế kỷ tìm lại cha mình. Thông qua một di ảnh rất nhỏ thậm chí là ảnh truyền thần lại, nhóm họa sĩ “Trái tim người lính” đã chuyển thành ảnh chân dung màu.

Từ đó, chúng tôi quyết định thực hiện chương trình dự án phục dựng di ảnh cho các văn nghệ sĩ, trí thức hi sinh hoặc có công trong kháng chiến. Mấy năm qua, phong trào phát triển mạnh. Nhóm họa sĩ “Trái tim người lính” và Đại học FPT thực hiện chương trình miễn phí cho liệt sĩ với 10.000 bức ảnh, thể hiện tri ân với những người đã có công với nước.  

Nhân dịp này, Ban tổ chức ra mắt tác phẩm “Phượng” của tác giả Phạm Kiều Phượng. Đây là tự truyện của bà Phạm Kiều Phượng (sinh năm 1943), con gái của liệt sĩ Phạm Văn Bái (1920 - 1951), người đã anh dũng hi sinh ngày 31/3/1951 trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám, khi ông chỉ huy đơn vị tấn công đồn Mạo Khê Mỏ, thuộc chiến khu Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh).

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu