Ra mắt tuyển tập văn thơ Nguyễn Huy Hoàng

Thanh Giang
Chia sẻ
(VOV5) - "Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Hoàng thường nghiêng về, chú ý về phía ánh sáng, cái tốt, cái đẹp" - Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng

Chiều 3/4 vừa qua tại Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội), tác giả Nguyễn Huy Hoàng (người Việt tại LB Nga) có buổi ra mắt tuyển thơ (3 tập) Trông trời, trông đất, trông mây và tuyển tập truyện ký (2 tập) Giữa những cơn dâu bể. Các tác phẩm do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành.

Nghe âm thanh tại đây:
 
Ra mắt tuyển tập văn thơ Nguyễn Huy Hoàng  - ảnh 1Tác giả trao tặng trọn bộ tuyển tập cho các Giáo sư, những người gắn bó cùng tác giả trong những năm tháng công tác ở Việt Nam và Liên bang Nga - Ảnh: Bùi Quang Thanh

Tuyển thơ, Trông trời, trông đất, trông mây gồm 3 tập, rút từ những tập thơ trước đây của Nguyễn Huy Hoàng từng được ấn hành từ năm 1995. Xuyên suốt 3 tập thơ tuyển là những bài thơ viết về Tổ quốc từ cái nhìn của một người con xa quê, sống cách đất nước hàng vạn dặm. Đồng thời, trong tuyển thơ, cũng có rất nhiều bài viết về nước Nga, nơi nhiều năm ông sống và làm việc. Nguyễn Huy Hoàng có một niềm tin và tình yêu sâu sắc đối với sự chung thủy, nhân hậu của nhân dân Nga, qua những người bạn, người thầy, những người quen đã giúp đỡ ông và gia đình trong những phút giây tưởng chừng gục ngã nơi xứ người. Những bài thơ đầu tiên trên nước Nga của Nguyễn Huy Hoàng, một thuở từng trở thành những câu thơ nằm lòng của nhiều độc giả tiểu thương trong Chợ Sân vận động Matxcova những tháng ngày gian khó xa xưa ấy trên đất Nga.

Tác giả Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Tôi chọn câu ca dao thuần Việt làm tên của thơ tuyển ba tập là “Trông trời, trông đất, trông mây…” để muốn nói lên niềm khát vọng, mong muốn của mình gửi vào vũ trụ bao la, vô thủy, vô chung, vô cùng, vô tận. Trăn trở cái tên làm sao xuyên suốt các tác phẩm tương đối rải rác của mình, để thể hiện tinh thần một nội dung chung, tôi chọn tuyển tập thơ là "Trông trời, trông đất, trông mây" một câu ca dao đầy ý nghĩa. Tôi đưa các  họa sĩ, ban đầu họ vẽ rất đẹp, cảnh thiên nhiên trời mây lung linh. Tôi nghĩ rằng họ không hiểu ý của tôi, bởi trông trời, trông đất, trông mây không phải là nhìn ngắm, mà đấy là khát vọng, là mong muốn, vì những câu sau mới giãi bày:" Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng". Tôi mong muốn trời yên biển lặng trong cuộc sống riêng tư của mình, mở rộng ra là trời yên biển lặng cho cuộc sống cộng đồng người Việt ở Nga lúc đó đầy khó khăn, và xa hơn nữa đó là cuộc sống của dân tộc ta được trời yên biển lặng.

Còn tập thứ hai "Giữa những cơn dâu bể", cũng có người góp ý, nên để "qua những cơn dâu bể" thì nên thơ hơn, nhưng cái đó thật ra không phải. Tôi viết "dưới những cơn dâu bể", bởi vì chúng tôi đã sống vắt qua hai thế kỷ 20 và 21 là người trong cuộc, đã chứng kiến, thậm chí là tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, được chứng kiến một Liên Xô hùng cường và sau này sụp đổ, nước Nga mới thay thế. Như vậy, "giữa những cơn dâu bể" sẽ chính xác hơn. Các họa sĩ được hiểu điều đó sau khi tôi giải thích và hoàn thành bộ bìa tương đối mỹ mãn.

Ra mắt tuyển tập văn thơ Nguyễn Huy Hoàng  - ảnh 2Tác giả Nguyễn Huy Hoàng tại buổi gặp mặt - Ảnh: Bùi Quang Thanh

Trong tác phẩm của tôi luôn có hai phần: một là cuộc sống của những người Việt Nam tại Nga, hai là những bối cảnh, những con người của nước Nga, những trải nghiệm của chúng ta với nước Nga. Và tôi mong rằng những người đã từng qua một lần với nước Nga, những người đã chứng kiến cuộc sống cộng đồng người Việt đều có thể thấy một chút gì trong đó mình đã gặp, đã từng trải nghiệm. "

Nhà phê bình văn học, PGS.TS Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), cho rằng sức viết của Nguyễn Huy Hoàng thật sự dồi dào. Những bài thơ của Nguyễn Huy Hoàng thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước; luôn liên tưởng về một quá khứ gian khổ nhưng thấm đẫm tình người.

Nhà phê bình văn học Cao Thị Hồng cho rằng: "Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng nói rất nhiều về tình cảm của nhà thơ đối với nước Nga, cả nước Việt nữa. Nguyễn Huy Hoàng giống như một cầu nối văn hóa giữa hai đất nước - nước Việt và nước Nga, nhưng dòng chảy tâm thức văn hóa Việt ở trong thơ Nguyễn Huy Hoàng rất mạnh mẽ."

Là một nhà giáo dạy ngữ văn có tiếng trong nhiều thế hệ học trò, một trí thức bẩm sinh có trí nhớ siêu việt đến mức đã thành giai thoại, nên có thể thấy dù trong văn hay thơ, Nguyễn Huy Hoàng cũng viết về nước Nga với tư duy của một nhà nghiên cứu đối với một cường quốc văn hóa, sự cảm nhận của một khách lữ hành trước cảnh đẹp không nơi nào sánh nổi và cái nhìn của một người được chứng kiến bao thăng trầm vắt qua hai thế kỷ của đất nước Nga.

Hai tuyển tập truyện ký “Giữa những cơn dâu bể” là mảng hiện thực về cảnh “vật đổi, sao dời” của nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ mà tác giả là một chứng nhân, là người trong cuộc, cùng những ký ức về những người thầy, người bạn văn chương trong thời gian ông học tập, giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ra mắt tuyển tập văn thơ Nguyễn Huy Hoàng  - ảnh 3Một góc khán phòng buổi ra mắt sách. - Ảnh Bùi Quang Thanh

Nhận xét về những sáng tác của Nguyễn Huy Hoàng, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng cho biết, độc giả đã quen nghĩ Nguyễn Huy Hoàng là một nhà thơ. Giọng thơ của Nguyễn Huy Hoàng cũng chính là bức chân dung giản dị của tâm hồn tác giả. Nhưng còn một Nguyễn Huy Hoàng - cây bút văn xuôi giàu nội lực, sắc bén chữ nghĩa.

"Một, là nhà văn Nguyễn Huy Hoàng đế từ đâu? Từ 3 không gian văn hóa rất đặc biệt là tỉnh Hà Tĩnh, một tỉnh rất nghèo nhưng cũng có truyền thống văn chương bậc nhất, thứ hai là từ một địa chỉ văn hóa rất đáng tin cậy là khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; và không gian văn hóa thứ ba: là văn hóa Nga - xứ sở bạch dương, tuyết trắng và mùa thu vàng, xứ sở của những người khổng lồ về văn học. Một người đền từ ba không gian ấy sẽ đem đến cho người đọc những điều thú vị. Hai là,  nhà văn Nguyễn Huy Hoàng đã thực hành rất tốt công thức ngày xưa nhà văn Nguyễn Tuân nêu lên: với nhà văn công việc không có gì khác ngoài: "đi - viết". Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Hoàng thường nghiêng về, riêng về, chú ý về phía ánh sáng, cái tốt, cái đẹp" - Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Bùi Việt Thắng nói.

Cũng theo nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, những trang văn xuôi Nguyễn Huy Hoàng viết về bạn bè, đồng nghiệp, người thân, quê hương…. đều là phần “phát sáng”, "tạo nên điểm nhấn mãn nhãn trong văn xuôi Nguyễn Huy Hoàng. Khi đọc Giữa những cơn dâu bể, độc giả sẽ thấy dù không toàn cảnh nhưng sẽ có vô số “cận cảnh”, mang ý nghĩa về những trường hợp của kiếp nhân sinh. Đây là lối viết qua một giọt sương nhìn thấy cả mặt trời, qua một giọt nước biển thấy cả đại dương."

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu