Những nỗ lực làm mới cải lương - viên ngọc quý của văn hóa dân tộc

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Cải  lương là loại hình sân khấu dễ chấp nhận sự tích hợp những cái mới, những điều hay, nét đẹp của các loại hình nghệ thuật khác.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ:

Một thời gian dài vừa qua, cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật mới, sân khấu nói chung và cải lương Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Qua thời phát triển hoàng kim của nghệ thuật cải lương gần nửa cuối thế kỷ hai mươi, từ đó đến nay, để duy trì và phát triển loại nghệ hình sân khấu đặc biệt này của dân tộc, vẫn có những nghệ sĩ, tác giả tìm tòi những hình thức mới với mong mỏi cải lương thực sự trở lại với khán giả trẻ đương thời. Và có thể thấy những thành công bước đầu trên hành trình ấy.

Nghệ thuật cải lương, khi mới hình thành đầu thế kỷ hai mươi, từ khát vọng "Cải cách hát ca theo tiến bộ, lưu truyền tuồng tích sánh văn minh", thể hiện kết quả của khát vọng, sự nỗ lực đổi mới sân khấu Việt thuở ấy, từ nghệ thuật hát bội và đờn ca tài tử. Theo thời gian, đây cũng là loại hình sân khấu dễ chấp nhận sự tích hợp những cái mới, những điều hay, nét đẹp của các loại hình nghệ thuật khác, từ sân khấu kịch, tuồng, chèo, điện ảnh, dân ca nhạc cổ, tân nhạc, thậm chí cả âm nhạc nước ngoài vv.. để hình thành nên những làn điệu, bài bản mới, những cách thức trình diễn mới vô cùng hấp dẫn khán thính giả, từ Nam ra Bắc.

Tuy nhiên, giai đoạn khủng hoảng của nghệ thuật cải lương kéo dài từ cuối thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI này, ngoài những lý do khách quan do lịch sử xã hội và sự phát triển, thì có thể thấy yếu tố “mới” trên sân khấu cải lương đã dần bị chính những người sáng tác, biểu diễn bộ môn nghệ thuật này bỏ quên, nên những màn trình diễn trên sân khấu không theo kịp với yêu cầu của những thế hệ khán giả mới.

Những nỗ lực làm mới cải lương - viên ngọc quý của văn hóa dân tộc - ảnh 1Nghệ sĩ trẻ Wowy kết hợp với NSND Bạch Tuyết trong dự án rap kết hợp cải lương Tia Sáng Cuối Cùng (The Last Light) - Ảnh: kenh14

Nhận thức sâu sắc về điều này, “cải lương chi bảo” NSND, Tiến sĩ Bạch Tuyết đã phất ngọn cờ đầu trong việc làm mới cải lương, từ việc sáng tác Trường ca Phật Giáo, tới việc kết hợp với các bạn trẻ để làm những MV kết hợp giữa cải lương và rap trở thành các bản hit đình đám... Chia sẻ tại buổi họp báo giải Chuông Vàng Vọng Cổ, mùa thứ 18 của Đài HTV, NSND Bạch Tuyết chia sẻ, bốn vị thầy tổ của nghệ thuật cải lương trước 1975 là NSND, má Bảy Phùng Há, NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), NSND Ba Vân, Nghệ sĩ ưu tú Kim Cúc, là những vị thầy mà cho đến bây giờ những nghệ sĩ như bà vẫn hằng kính trọng.

“Bởi vì những lời dạy đó cho tới bây giờ vẫn còn vẫn đúng y như xã hội mình đang sống chứ chưa có một chút nào lạc hậu. Đi làm nghệ thuật, hát cho người ta nghe. Mà tiếng hát bắt đầu bởi âm thanh từ trong phổi, từ trong máu huyết, tư tưởng, tấm lòng của mình dành cho cuộc sống như thế nào thì âm thanh phát ra như thế. Cho nên người làm nghệ thuật trước nhất là phải thật với mình, thật với trời đất. Cải lương tức là ca kịch, ca trước khi kịch. Người ta ca hay thì bầu gánh mua về, khán giả bỏ tiền mua vé. Mua vé coi xong rồi người ta còn bỏ tiền ra để tặng hoa cho mình nữa. Điều đó rất chân thật và rất là cao quý. Nếu như tâm hồn mình có một chút bộn nhơ, mình không xứng đáng có mặt trong nghệ thuật cải lương của dân tộc. Và đây là một loại hình nghệ thuật truyền thống, nhưng nó vừa hiện đại vừa bác học.” - NSUT Bạch Tuyết tâm sự.

Theo NSND Bạch Tuyết, những gì ông cha làm đều có ý nghĩa, đem lại sự giàu có trong nghệ thuật dân tộc, kể cả trong thời kỳ nước ta bị đô hộ. Và bởi vậy, cải lương, nghệ thuật âm nhạc - sân khấu Việt mới có cách ký âm đậm tự tình dân tộc: “Phương Tây có cách ghi âm nhạc theo nốt đồ- rê-mi-fa-sol-la-si, và thời tây chúng tôi cũng hoàn toàn như thế. Nhưng ông cha  ta đã phát triển cách ký âm của riêng Việt Nam, là hò-  xừ- xang-xê- cống- líu... Đây là công thức của âm dương, công thức của Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ và khi vào sân khấu Việt, những nghệ sĩ chúng tôi phải học tập trên cơ sở tâm hồn Việt Nam. Và khi chúng tôi ra bộ trong cải lương,  thì phải có bộ âm, bộ dương; phải có vì sao nhân vật này cần phải "kim", nhân vật này cần phải "mộc", nhân vật kia cần phải "thổ". ” Và đó cũng là lý do tại sao, khi đưa những hò xự xang xê cống vào với loại hình âm nhạc du nhập như rap vẫn hấp dẫn, vẫn bắt tai nghe đến vậy.

Cũng trong những nỗ lực “làm mới” lại, làm sống động lại bộ môn nghệ thuật vốn mang cái tên rất cải cách này, có sự đóng góp đầy tâm huyết của những người rất trẻ. Tiến sĩ Đào Lê Na trưởng bộ môn Sáng tác và phê bình sân khấu, điện ảnh, Khoa Văn học Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, đã cùng các nhạc sĩ, nhạc công, diễn viên trẻ đi những bước đi tìm đường thực sự đột phá cho cải lương hôm nay.

Từ ý muốn cải tiến, cải cách cải lương, Tiến sĩ Đào Lê Na thực hiện Dự án Tiếp bước trăm năm với vở diễn Vai diễn đầu đời cho các bạn sinh viên trẻ, từ việc làm dự án văn hóa về cải lương và nghiên cứu thêm cách nhìn nhận về làm mới văn hóa như thế nào, chị đã viết kịch bản và dựng lên hình hài mới cho cải lương với vở Đợi Kiều.

Những nỗ lực làm mới cải lương - viên ngọc quý của văn hóa dân tộc - ảnh 2Biên kịch - đạo diễn Đào Lê Na (cầm mic) và đa phần ê kíp Đợi Kiều là những người trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống - Ảnh: Thái Thái/ Báo Tuổi trẻ

Với vở cải lương thế nghiệm Đợi Kiều, Đào Lê Na đã tìm cách đưa ra những hình thức mới, như chị nói: “là một bước thể nghiệm để mình thấy con đường mình nên đi”. Và Đợi Kiều đã được khán giả trẻ chú ý bởi trước hết, là sự làm mới về âm nhạc, có những bài bản đặc biệt được viết riêng cho vở. Và với ngôn ngữ sân khấu của Đợi Kiều, khán giả trẻ nhận ra: cải lương thực sự sang và đẹp. Việc “làm mới”với diễn viên trẻ của Đợi Kiều cũng là một chủ đích của Đào Lê Na: "Nếu như để diễn viên là người trẻ diễn, thì các bạn khán giả trẻ sẽ thấy là, diễn viên (của lứa tuổi) chúng ta cũng đang làm nhạc cho cải lương, và cũng chính là diễn viên của những vở cải lương này, nghĩa là cải lương vẫn đang tiếp tục sống trong cái thời của chúng ta chứ đâu có xa lạ gì. Làm như vậy thì sẽ dễ thu hút các bạn trẻ (đến với cải lương nhiều hơn."

Tiến sĩ Đào Lê Na hy vọng với vở diễn tiếp theo, (từ việc làm lại vở Vai diễn đầu đời), dàn dựng mới kết hợp với kịch hình thể, nhưng là sự giao thoa giữa kịch hình thể và hát bội của Việt Nam, sẽ là hướng đi tiếp tục của chị và đồng nghiệp trong dự định làm mới cho sân khấu cải lương. Và đây cũng là một chặng đường rất dài, nên luôn cần sự góp sức của cộng đồng nghệ sĩ.

NSND Bạch Tuyết nói rằng khi khán giả đã hiểu được tâm huyết của người nghệ sĩ, tin cậy vào tài năng của nghệ sĩ, là khán giả đã tiếp sức cho những nghệ sĩ cải lương trong suốt hành trình gìn giữ nghệ thuật cải lương như một điểm son nghệ thuật.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu