Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng: Một đời cống hiến cho nghệ thuật dân tộc

Ngọc Ngà, Lê Thơm
Chia sẻ
(VOV5) - GS NSND là nghệ sĩ hiếm hoi thành công ở cả 3 vai trò: soạn giả, đạo diễn và nhà phê bình lý luận chèo.

Trong lịch sử xây dựng và phát triển của nghệ thuật sân khấu Cách mạng Việt Nam, Giáo sư (GS), Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Trần Bảng được biết tới là người đã dành cả đời gắn bó với những điệu chèo.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ông là nghệ sĩ hiếm hoi thành công ở cả 3 vai trò: soạn giả, đạo diễn và nhà phê bình lý luận. Bằng tài nghệ của mình, ông đưa nghệ thuật chèo dân gian lên sân khấu chuyên nghiệp, để từ đây, những điệu chèo mượt mà, da diết của làng quê Bắc bộ theo chân các nghệ sĩ đến với khán giả trong và ngoài nước. Đồng nghiệp, khán giả yêu mến gọi ông là “ông trùm chèo Trần Bảng”. Do tuổi cao, bệnh trọng, ông đã qua đời hôm 19/07, hưởng thọ 97 tuổi.
Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng: Một đời cống hiến cho nghệ thuật dân tộc - ảnh 1Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng. Ảnh: VOV

Vốn là một trí thức Tây học, cơ duyên đưa GS NSND Trần Bảng đến với nghệ thuật chèo tự nhiên như số phận. Vở chèo đầu tiên của ông có tên “chị Trầm”, ra đời năm 1953, tại Tân Trào, Tuyên Quang, khi ông đang công tác trong đội kịch phục vụ kháng chiến. Đêm mùng 1 Tết năm 1953, đêm ra mắt đầu tiên vở “Chị Trầm” cũng là đêm biểu diễn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một trong những niềm tự hào của nghệ sỹ Trần Bảng trong sự nghiệp.

GS, NSND Trần Bảng có hơn 50 năm gắn bó với nghề đạo diễn chèo, với sân khấu chèo. Ông cũng là người có nhiều đóng góp trong việc sưu tầm, bảo tồn các vở chèo cổ, cải biên, xây dựng các vở chèo mới, viết kịch bản chèo, cũng như viết sách nghiên cứu về nghệ thuật chèo. Càng gắn bó với chèo, Giáo sư Trần Bảng càng đam mê. Nhiều năm liền, ông đã cùng các nghệ sỹ lập ban nghiên cứu, đi tìm những nghệ nhân trong dân gian về diễn lại các vở chèo cổ, từ đó tập hợp, nghiên cứu sâu về chèo. Niềm say mê và tâm huyết của nghệ sỹ Trần Bảng với chèo đã được thể hiện trong vở “Quan Âm Thị Kính” do ông dựng năm 1957. Đây là một trong những tác phẩm sân khấu kinh điển của Việt Nam.

Liên tiếp sau đó, Trần Bảng cho ra đời hàng chục vở chèo gây tiếng vang lớn như: “Xúy Vân”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Lọ nước thần”, “Tống Trân Cúc Hoa”, “Tô Hiến Thành”… Không chỉ phục dựng các vở chèo truyền thống, Trần Bảng còn sáng tạo các vở chèo hiện đại: “Cô giải phóng”, “Cô gái và anh đô vật”, “Tình rừng”…

Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng: Một đời cống hiến cho nghệ thuật dân tộc - ảnh 2Hai cha con NSND Trần Bảng - đạo diễn Trần Lực. Ảnh: VOV

Nhờ tài năng, tâm huyết của Trần Bảng, nghệ thuật chèo đã phát triển mạnh mẽ. Đạo diễn Trần Lực, con trai GS, NSND Trần Bảng cho biết: “Bố tôi là người sống hết mình, cả đời ông làm chèo, cụ cũng đã có những tác phẩm để đời. Tôi nói ví dụ như vở “Quan âm Thị Kính”, “Xúy Vân giả dại”, cho đến bây giờ nó không phải nghìn đêm nữa mà phải là bao nhiêu nghìn đêm rồi, 2 vở chèo có thể nói là chuẩn mực của nghệ thuật chèo Việt Nam cho bây giờ và mãi mãi về sau.”

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho rằng chính những sáng tạo của GS, NSND Trần Bảng đã nâng sân khấu dân gian trở thành một sân khấu chuyên nghiệp có tổ chức. Ông cũng là một trong những nghệ sĩ sáng lập ra Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam 60 năm trước: “Ông có công lớn với ngành sân khấu, nhất là đối với loại hình sân khấu chèo. Từ sân khấu sân đình không chuyên, ông đã tổ chức lại những trò diễn, câu chuyện dân gian để đưa lên sân khấu hiện đại thành những vở, tiết mục như “Quan Âm Thị Kính”, “Xúy Vân”… Ông là nhà tổ chức rất có hiệu quả, nâng sân khấu dân gian trở thành sân khấu có tổ chức rất chuyên nghiệp.”

Yêu chèo, say chèo và luôn trăn trở với tương lai của chèo, NSND Trần Bảng đã dồn công sức trí tuệ, cả đời mình vào việc nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo chèo. Ngay cả khi 80 tuổi, NSND Trần Bảng vẫn cầm bút viết “Trần Bảng – đạo diễn chèo”. Với những kiến thức và những kinh nghiệm mà ông đã trải qua, Trần Bảng tập hợp lại thành những công trình phê bình lý luận hàng đầu. Chính ông cũng xây dựng hệ thống lý luận về chèo từ những nguyên tác mỹ học, phương pháp sáng tạo tổng thể đến nghệ thuật diễn viên, đạo diễn vừa uyên bác, toàn diện, vừa sinh động, cụ thể. Đây là những cầm nang của nhiều thế hệ nghệ sĩ chèo nói riêng và của sân khấu truyên thống nói chung.

Nhà viết kịch Chu Thơm chia sẻ: “Cụ Bảng là người làm nghề có tâm, là một trong những người rất tuyệt vời trong ngành chèo, là người thầy, đạo diễn, người tổ chức. Cụ là người rất có sức lan tỏa trong giới nghề nghiệp, anh em, trong quần chúng.”

Sinh thời, ngay cả khi đã ngoài 90, tuổi cao, sức yếu, NSND Trần Bảng vẫn hoạt động không mệt mỏi vì một tương lai tươi sáng của nghệ thuật chèo. Ông vẫn là chỗ dựa tinh thần lớn lao của các thế hệ diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu chèo. Sự nghệp của GS, NSND Trần Bảng đã trở thành một phần quan trọng của sân khấu chèo và nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Với những đóng góp của mình, GS, NSND Trần Bảng vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Dẫu “ông trùm chèo” đã rời xa cõi tạm, nhưng những cống hiến của ông cho nghệ thuật nước nhà vẫn còn mãi, đó là kho tri thức quý báu dành cho những thế hệ nghệ sỹ sau này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu