Những năm gần đây, cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Ucraina tương đối khó khăn do tình hình quốc tế biến động. Tuy nhiên bà con kiều bào vẫn gắng gượng mưu sinh bằng các công việc kinh doanh chợ, buôn bán hàng tiêu dùng... Ông Nguyễn Anatoly, một doanh nhân người Việt tại Ucraina, là một người như vậy. Vừa cố gắng vượt qua những khó khăn nhất định trong công việc kinh doanh tại nước sở tại, ông vẫn tham gia tích cực vào các hoạt động hướng về quê hương.
Người Việt tại Ucraina luôn hướng về Tổ quốc đồng thời giữ gìn, củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nước sở tại. Trong ảnh là Hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt tại Ucraina”. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay ông đã có một doanh nghiệp làm ăn ổn định tại Ucraina. Tuy nhiên ông có thể cho biết đôi nét về thời gian ông mới đặt chân đến xứ sở này?
Ông Nguyễn Anatoly: Hồi tôi mới sang rất khó khăn, khó khăn hơn bây giờ nhiều. Nhưng thời đó, chúng tôi có tuổi trẻ. Sự nhiệt huyết của tuổi trẻ rất cao. Tôi muốn khám phá thế giới. Bởi vì Việt Nam thời kỳ đó cũng rất khó khăn. Nhưng sự phiêu lưu ở nước ngoài đã chiến thắng. Khi Liên Xô tan rã, rất nhiều người Việt đi lao động hợp tác, đi học đã trở về nước. Số người Việt ở lại còn rất ít. Chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ và hoạt động kinh doanh đến ngày hôm nay.
Phóng viên: Những năm 90 của thế kỷ trước, khi có biến động về lịch sử, dù số người Việt ở lại Nga không nhiều tuy nhiên, phần trăm người Việt ở lại Nga và thành công lại khá cao?
Ông Nguyễn Anatoly: Đó là do người Việt chịu khó. Ở Đông Âu và Xô viết trước kia, tiềm năng buôn bán kinh doanh, sức tiêu thụ rất lớn. Người Việt mình chỉ cần chịu khó là có thể kiếm được tiền. Vì người bản xứ không quen với những công việc phải thức khuya dậy sớm. Họ không quen phải dậy từ 3 giờ đến 4 giờ sáng để mở cửa hàng. Còn người Việt thì chịu khó, lam làm nên thành công.
Đoàn kiều bào từ các nước trên thế giới giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ đảo Sinh Tồn. |
Phóng viên: Thưa ông, ông đã vinh dự có mặt trong đoàn kiều bào ra thăm, động viên các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đối với ông có ý nghĩa như thế nào?
Ông Nguyễn Anatoly: Năm nào tôi cũng về quê. Tôi ước mơ rất nhiều và lần này là lần đầu tiên được đi Trường Sa. Vô cùng xúc động. Cả đêm tôi mất ngủ giống như một đứa trẻ ngày xưa được một chuyến đi xa với bố mẹ. Đặt chân đến đảo tôi cảm thấy rưng rưng lệ. Các bạn ở trong nước có thể thấy Trường Sa gần gũi nhưng với tôi thì thấy rất xa. Và tôi theo dõi thường xuyên với tình hình biển đảo của đất nước. Nó thiêng liêng vô cùng. Với những người xa xứ như chúng tôi, thật sự là ý nghĩa. Được đặt chân lên đảo như thế này là ước mơ rất lớn đối với chúng tôi.
Phóng viên: Trong hành trình này, ông đã đến thăm nhiều hộ dân trên các đảo ở Trường Sa. Khi đến đây và gặp họ, những suy nghĩ của ông có gì khác so với thời điểm trước chuyến đi không?
Ông Nguyễn Anatoly: Trước đây, lúc chưa đến, tôi đã xem nhiều về Trường Sa qua ảnh, qua tivi. Khi tới đây, tôi thấy không khác gì so với những điều tôi được nhìn thấy qua tivi. Thông tin của Việt Nam đưa lên rất chính xác. Đời sống người lính đảo, người dân được chăm sóc tốt. Theo lời kể của các anh lính hải quân, kể cả các ngư dân bị nạn cũng được hỗ trợ rất kịp thời. Đấy là điều tôi thấy là vui và mừng cho đất nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!