Quê hương trong lòng những người con xa xứ

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Kiều bào có những xúc cảm khác nhau khi được trở về,  đặt chân trên mảnh đất quê hương, chứng kiến những đổi thay không ngừng của đất mẹ. 

70 kiều bào vừa trở về quê hương, tham dự chuyến hành hương về Đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, thăm một số địa danh của tỉnh Phú Thọ như đồi chè xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, giao lưu với người dân trong tỉnh. Kiều bào có những xúc cảm khác nhau khi được trở về,  đặt chân trên mảnh đất quê hương, chứng kiến những đổi thay không ngừng của đất mẹ và luôn nhắc lòng hướng về Tổ quốc. 

Nghe âm thanh tại đây:
Xe chở đoàn kiều bào tới khu di tích Đền Hùng, của tỉnh Phú Thọ. Cơn mưa nhỏ bất chợp đã xua tan không khí oi nồng, làm thời tiết trở nên mát mẻ hơn.  Tất cả kiều bào trong đoàn đều cảm thấy rất vui, cảm thấy may mắn, dường như đất mẹ thấu hiểu và dành tình cảm cho những người con xa quê trong hành trình trở về.
Quê hương trong lòng những người con xa xứ - ảnh 1Chị Trương Mai Anh, kiều bào ở Ba Lan

Đoàn kiều bào  trong trang phục áo dài truyền thống với hoa văn rồng, phượng và màu sắc rực rỡ, nối nhau bước từng bậc lên đền Hạ, đền Trung rồi đền Thượng thắp hương, mà không cảm thấy mệt mỏi. Chị Trương Mai Anh, kiều bào ở Ba Lan chia sẻ với chúng tôi: thật linh thiêng, đất mẹ đã cho mình một nguồn năng lượng tuyệt vời và mình không cảm thấy mệt mỏi cho dù leo 500 bậc.

Quê hương trong lòng những người con xa xứ - ảnh 2Kiều bào chụp ảnh kỷ niệm ở Đền Hùng

Còn chị Nguyễn Khánh Linh, ở Hà Lan lần đầu tiên về Đền Hùng cũng có nhiều cảm xúc đặc biệt, bởi đây là một chuyến đi rất  ý nghĩa với một người trẻ như chị và chị cảm nhận được rất nhiều điều khi được đứng trên mảnh đất quê hương: Ở nước ngoài 20 năm, chưa đi cúng bái như thế này.Cảm nhận đặc biệt, cảm nhận được không khí của quê hương. Ở trên xe, được nghe hướng dẫn viên giới thiệu,cũng thấy được rất nhiều điều thú vị. Và em thấy rất thích thú với mâm cúng khá cầu kỳ, với các món ở trong đó và là khu vực mọi người không được vào thì tôi thấy cũng là rất đặc biệt.

Quê hương trong lòng những người con xa xứ - ảnh 3Vợ chồng ông Nguyễn Đồng Hải, kiều bào tại Slovakia

Cũng lần đầu tiên được tới thăm Đền Hùng, chị Đào Thu Hằng, kiều bào tại Bỉ cảm thấy hạnh phúc, cảm xúc dâng trào khi được tới đây, được dâng nén hương thơm lên tổ tiên và cầu mong những điều tốt lành: Cảnh quan tươi xanh, Khu di tích xây dựng hàng ngàn năm nay cũng là cội nguồn dân tộc. Lần đầu tiên về thăm Vua cha, Mẫu mẹ tôi thấy rất xúc động. Có thể thắp nén nhang, kính báo đức Vua cha, Mẫu mẹ, cầu ban phước lành cho năm châu bốn biển, an lành, sức khỏe dồi dào.

Vợ chồng ông Nguyễn Đồng Hải, từ Slovakia ngay từ trên xe đã  bày tỏ sự phấn chấn, hồ hởi về chuyến đi. Ông Hải cho biết, đây là lần thứ hai ông tới thăm Đền Hùng. Lần đầu tiên, ông tới đây là trước năm 1975, khi đó, ông còn nhỏ và đi cùng với ba tập kết ra Bắc. Chia sẻ tình cảm của mình, ông Nguyễn Đồng Hải cho biết: Tôi nhớ mái của đền vẫn như cũ nhưng đường xá đã khác hẳn. Trong lịch sử, có 2 nhân vật tôi cảm  phục nhất, đó là Vua Hùng và Hồ Chí Minh. Nếu nói về tình cảm khi được trở về thì ở nước ngoài, khi nói về đất nước bằng tiếng Nga, tiếng Anh, Pháp hay tiếng Slovakia thì có 1 câu có thể dịch là ở đâu cũng tốt  cũng đẹp, nhưng quê hương mình là đẹp nhất. Tôi luôn giáo dục cho 2 con của tôi nhớ về tổ tiên, ông bà..

Quê hương trong lòng những người con xa xứ - ảnh 4Đoàn kiều bào về thăm Đền Hùng

Tất cả kiều bào mỗi người đều có những cảm xúc khác nhau, lắng đọng khi báo công, tri ân lên các vị Vua Hùng. Nén hương thơm chính là sợi dây tình cảm kết nối tâm linh, kết nối quá khứ với hiện tại, là tình cảm tri ân của những người con đất Việt muốn gửi gắm tới các bậc tiền nhân. Cũng chính tại nơi đây, chứng thực cho những người con Việt dù ở khắp năm Châu vẫn đồng lòng hướng về Tổ quốc. Bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định:Tín ngưỡng tâm linh, thờ cúng của cộng đồng người Việt cho dù sống ở trong nước hay nước ngoài. Ai cũng nhớ câu: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng ba. Tín ngưỡng Giỗ tổ Hùng Vương đi cùng với lịch sử dân tộc, một trong biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Mỗi người Việt Nam khi về đây đều cảm nhận sâu sắc hơn 2 tiếng đồng bào, đạo lý anh em một nhà, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý thức trách nhiệm con dân với đất nước.

Quê hương trong lòng những người con xa xứ - ảnh 5Đoàn kiều bào dâng hương tại Đền Hùng

Về Đền Hùng, về với cội nguồn dân tộc, mỗi người con Việt đều cảm thấy tự hào, xúc cảm trước sự linh thiêng, linh khí của khu di tích, của lễ hội đền Hùng với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Mỗi kiều bào đều mong muốn sẽ có dịp trở lại, tri ân, báo công lên các vị vua Hùng những việc mình đã và sẽ làm để cùng gìn giữ những nét văn hóa dân tộc và truyền lại cho những thế hệ sau, để họ hiểu và tìm về cội  nguồn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu