Phật tử Việt Nam tại Séc tham dự Đại lễ Thượng Nguyên

PV/VOV-Praha
Chia sẻ
(VOV5)- Đi lễ chùa rằm tháng Giêng đã trở thành một phong tục đẹp, một nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cả những người Việt Nam xa xứ.

(VOV5)- Đi lễ chùa rằm tháng Giêng đã trở thành một phong tục đẹp, một nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cả những người Việt Nam xa xứ.

Hôm qua (21/2), tức 14 tháng Giêng năm Bính Thân, hàng trăm Phật tử và bà con yêu đạo Phật người Việt đã về tham dự Đại lễ Thượng Nguyên tại thủ đô Praha để cầu cho một năm mới quốc thái dân an, người người yên vui, nhà nhà no ấm.

phat tu viet nam tai sec tham du dai le thuong nguyen hinh 0
Màn múa hát mừng Đại lễ Thượng Nguyên.

Đã từ lâu đi lễ chùa rằm tháng Giêng đã trở thành một nhu cầu tâm linh không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của Phật tử và những người yêu kính đạo Phật tại Việt Nam. Họ đi lễ chùa để tìm hiểu về giáo lý nhà Phật và có những ước nguyện cho bản thân, gia đình và xã hội trong năm mới.

Phong tục đẹp này được duy trì và phát huy không những ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài nơi có cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc. Trong mấy ngày qua, bà con người Việt tại Cộng Hòa Séc hân hoan chờ đón Đại lễ Thượng Nguyên được tổ chức để được cầu mong, thỏa mãn ước nguyện của mình.

Bà Chu Thị Chế, 68 tuổi mới từ Việt Nam sang để đoàn tụ cùng gia đình, cho biết, bà tin vào luật nhân quả trong giáo lý của nhà Phật. Chính vì vậy đi lễ chùa ngày đầu năm, ngoài việc cầu phúc, cầu lộc cho gia đình, con cháu, cũng là dịp để con người thêm một lần nữa hiểu sâu hơn triết lý từ bi, hỷ xả, khuyến khích con người sống hướng thiện của Phật giáo.

Bà muốn con cháu trong gia đình sống phải có trước có sau, luôn thể hiện lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng, biết tôn trọng nghĩa tình, cư xử đúng mực trong quan hệ gia đình, cộng đồng và xã hội.

Cùng chung ý nghĩ đó, Phật tử Giác Nguyện cho rằng đối với các Phật tử thì đi lễ chùa ngày đầu năm rất quan trọng, bởi điều đó giúp con người đến được với ánh sáng của Phật pháp, đi đúng con đường của Đức Phật đã chỉ dạy.

Phật tử Giác Nguyện nói: “Tôi đi lễ đầu năm để cầu mong một năm mới bình an, nhà nhà hạnh phúc, tất cả có chánh giác, tức là nhìn cho kỹ, nghĩ cho sâu để mọi người thấu hiểu được nhau, mang ánh sáng đạo Phật đến tất cả mọi người. Phật ở trong tâm mọi người. Nếu có tâm thành kính và sự cầu nguyện thì Đức Phật sẽ gia hộ và phóng quan tới tất cả mọi nơi, dù ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Gác lại mọi lo toan bộn bề của cuộc sống nơi xứ người, nhiều bà con kinh doanh người Việt đến với Đại lễ Thượng Nguyên với một lòng thành kính với Đức Phật, và cầu mong cho năm mới mang lại nhiều may mắn cho gia đình và công việc.

phat tu viet nam tai sec tham du dai le thuong nguyen hinh 1
Phật tử Giác Nguyện.

Sang định cư tại Cộng Hòa Séc từ năm 1992, gia đình chị Nguyễn Thị Lai hiện đang kinh doanh một cửa hàng tạp phẩm và một nhà hàng ăn Việt tại thủ đô Praha. Trong thời gian gần đây, công việc kinh doanh của đại bộ phận người Việt có khó khăn hơn do có những thay đổi trong chính sách của nước sở tại.

Thêm vào đó chị có những mối lo riêng khi con cái chuẩn bị đến tuổi trưởng thành, cần phải được quan tâm nhiều hơn. Vì vậy, chị mong trong năm mới công việc kinh doanh phát triển ổn định, và có nhiều thời gian hơn quan tâm, giáo dục con cái.

Chị Lai chia sẻ: “Trong năm 2016, tôi có mong ước thứ nhất là chuyện làm ăn vẫn tiến triển tốt đẹp, thứ hai là các con tôi sẽ học hành tiến bộ hơn. Tôi sẽ tìm mọi cách để các cháu học hành đến nơi đến chốn, dạy các cháu luôn nhớ về cội nguồn của mình, đó là quê hương Việt Nam, là ông bà tổ tiên sinh ra bố mẹ các cháu. Và đặc biệt là các cháu phải có tình yêu với gia đình, có trách nhiệm đối với bản thân”.

Không chỉ người lớn, trẻ em cũng có những ước nguyện riêng trong năm mới. Xúng xính trong tà áo dài truyền thống Việt Nam, Bùi Vy Anh, một học sinh lớp bảy ở thủ đô Praha, rất phấn khích khi được đi cùng bố mẹ tham gia Đại lễ Tết Thượng Nguyên.

Sinh ra và lớn lên tại Cộng hòa Séc, Vy Anh không có nhiều dịp được tham dự các sự kiện của người Việt và điều em mong muốn chính là được tạo điều kiện tới dự các này để tìm hiểu nhiều về văn hóa Việt, gặp gỡ bạn bè Việt và nói tiếng Việt.

Đi lễ chùa rằm tháng Giêng đã trở thành một phong tục đẹp, một nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu của người Việt Nam ngày đầu xuân mới. Ngay cả khi người Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài, họ vẫn hướng về cõi Phật với những tâm trạng và điều ước nguyện khác nhau. Cho dù khác biệt về tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội, họ đều thành tâm cầu nguyện cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc, bản thân có nhiều may mắn trong năm mới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu