Nguồn gốc Việt làm nên con đường của hai nghệ sĩ điện ảnh Đức

Thanh Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Hong Indira Rieck và Phạm Thùy Trang, thế hệ thứ hai của người Việt ở Đức, đã tiếp nối xứng đáng truyền thống điện ảnh trong gia đình.

Thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt ở nước ngoài, có nhiều gương mặt tài năng. Trong số những gương mặt sinh ra và lớn lên tại nước sở tại nhưng vẫn được cha mẹ hướng về gốc rễ nguồn cội, và góp phần tỏa sáng thêm hương sắc cho cộng đồng Việt, có hai chị em Phạm Hồng Giang (nghệ danh là Hong Indira Rieck) và Phạm Thùy Trang, nghệ sĩ Việt ở Đức.

Hai chị em là con anh Phạm Mạnh Cường, và chị Petra Pham, người Đức. Điều không nhiều người biết, Phạm Hồng Giang và Phạm Thùy Trang là cháu nội của nhà quay phim, nghệ sĩ ưu tú Phạm Ngọc Lan – một trong những nhà quay phim nổi bật thời kỳ đầu của Điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Truyền thống gia đình cũng như thế hệ cha mẹ có ảnh hưởng như thế nào đến con đường sự nghiệp của họ? Những chia sẻ từ người cha Phạm Mạnh Cường hé lộ nhiều chi tiết thú vị.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 
Nguồn gốc Việt làm nên con đường của hai nghệ sĩ điện ảnh Đức - ảnh 1Anh Phạm Mạnh Cường cùng hai con gái Hồng Giang (nghệ danh Hong Indira Rieck) và Kiều Trang - Ảnh: tư liệu gia đình.

Anh Phạm Mạnh Cường, vốn tốt nghiệp Trường Điện ảnh Việt Nam (tiền thân ĐH Sân khấu Điện ảnh Việt Nam bây giờ), làm phụ quay phim ở Hãng phim truyện Việt Nam, rồi giành học bổng du học tại Đức, và đã từng có 25 năm là kỹ sư âm thanh của hãng Kinoton, Đức – một trong số hãng nổi tiếng thế giới về âm thanh, set-up kỹ thuật cho các studio, Đài truyền hình, Liên hoan phim. Anh là người Việt duy nhất làm việc và được phụ trách nhóm kỹ sư hình và tiếng set-up phòng chiếu nơi trao giải Gấu Vàng ở Berlinale Palace. Còn vợ anh, chị Petra Pham, vốn là một nhà nghiên cứu lịch sử Châu Á, yêu âm nhạc và cũng rất giỏi tiếng Việt.

Tuy nhiên, như anh kể, trong gia đình anh, thuở ban đầu các con được nuôi lớn lên rất tự nhiên, chứ không gò ép trong bất cứ một khuôn khổ nào: “Các cháu khi còn nhỏ mỗi đứa chưa hình thành được tài năng. Hồi đó cho các con theo học những bộ môn thể thao để cơ thể khỏe khoắn, học đàn để cuộc sống thêm thi vị, cháu nhỏ thì học vũ ba lê. Mình muốn các con có cuộc sống thi vị, nhưng mình cũng rất lo vì cả hai đứa đều là con gái nên cho học võ từ nhỏ để cứng rắn, có thể không phải nói đến tự bảo vệ bản thân mình nhưng trong cuộc sống sẽ kiên định hơn. Võ thuật giúp con người trưởng thành hơn và đồng thời khi có hướng đi tốt thì nhân văn hơn rất nhiều, bảo vệ kẻ yếu. Từ những suy nghĩ bình thường đó thì các cháu được sống trong môi trường mà bố mẹ cho tất cả những bộ môn ngoại khóa rất nhiều.”

Anh Phạm Mạnh Cường kể, những họ hàng ở quê nội thân thương và ông nội – nhà quay phim Phạm Ngọc Lan dù khoảng cách địa lý rất xa nhưng vẫn gần trong tim hai đứa cháu, bởi vẫn được nhắc đến trong những câu chuyện gia đình gắn bó hàng ngày. Chỉ có một yếu tố duy nhất liên quan đến phim ảnh, mà anh không ngờ sau này cũng có ảnh hưởng đến lựa chọn của các con: “Các cháu được bố dạy cho cách xem phim từ nhỏ, theo cái cách người làm phim, rồi phân tích phim, phân tích tổng thể bố cục khuôn hình, máy quay, chuyển động, diễn viên diễn ra làm sao... Các cháu mê, chính vì điều đó  mà về sau này cả hai đứa đều quay về học điện ảnh hết.”

Nguồn gốc Việt làm nên con đường của hai nghệ sĩ điện ảnh Đức - ảnh 2Hồng Giang (Hong Indira Rieck) giờ là một diễn viên chuyên đóng thế những cảnh hành động và mạo hiểm. - Ảnh:NVCC

Cô con gái lớn Hồng Giang, từ việc học võ để vui từ ngày nhỏ, học Cao đẳng điện ảnh, rồi tham gia làm người mẫu ảnh từ 2006 và tham gia đóng phim từ 2008. Đam mê làm huấn luyện viên võ thuật, thể hình, Hồng Giang đã giành được nhiều huy chương tại các cuộc thi đấu thể thao ở Đức. Hồng Giang cũng từng đóng một số vai như vai chính trong phim Sunday Menü (đã được chiếu tại liên hoan phim Berlinale ở Đức), và tham gia trong một số MV của Đức.

Nhưng như cô từng tâm sự: “Một diễn viên lai Đức và Việt Nam như tôi, rất khó để được nhận một vai chính trong phim vì không nhiều nhân vật như vậy trong phim nước ngoài. Chính vì thế tôi tập trung cho việc làm diễn viên đóng thế, vì lợi thế của tôi là được ba tôi cho học võ thuật từ nhỏ”.

Nguồn gốc Việt làm nên con đường của hai nghệ sĩ điện ảnh Đức - ảnh 3Hong Indira Rieck đã trở thành cái tên có vị trí vững chắc trong nghề

Nay đã trở thành diễn viên đóng thế có vị trí vững chắc trong nghề, với nghệ danh Hong Indira Rieck, cô đóng thế cho nhiều diễn viên nổi tiếng của Mỹ và châu Âu trong các cảnh hành động và võ thuật, trong đó có thể kể tới các bộ phim nổi tiếng: Cloud Atlas (2012),  Những thiên thần của Charlie (2019) và Uncharted (2022). Cô nhiều lần được mời đóng thế cho nghệ sĩ Dương Tử Quỳnh.

Anh Phạm Mạnh Cường kể lại, Hồng Giang thường nói với anh, được đóng thế cho các ngôi sao là một vinh dự nhưng đồng thời cũng khó khăn gấp bội phần: "Vừa rồi cháu có tâm sự: Chị Dương Tử Quỳnh hồi đó nhận hai phim, một phim Hollywood, một phim khác cũng của Hollywood nhưng sản xuất ở trường quay tại Postdam. Phải đi bay đi bay lại rất vất vả, bà yêu cầu có một người đóng thế. Mà đóng thế cho bà, thì những tình cảm bà phải xuất hiện, vì cận mặt, nên cần ở những pha đánh đánh võ thuật. Nhưng chính vì bà có thương hiệu lớn rồi, thành ra khán giả nhận ra cách đánh võ của bà, nên người diễn viên đóng thế phải đánh được giống style đó. Đấy mới là cái khó. Hồng Giang một là khi so hai khuôn mặt hao hao giống nhau, hai là sau khi vào nghề cascadeur cháu biết nhiều môn võ thuật - lúc đầu chỉ học kiếm thuật và kungfu, nhưng vào đấy thì phải học đủ tất cả."

Cô con gái thứ hai của anh Phạm Mạnh Cường và chị Petra Phạm là Phạm Kiều Trang, năm 14 tuổi, đang học lớp 8, đã vượt qua 14.000 thí sinh trong cuộc thi danh giá dành cho lứa tuổi thiếu nhi “The voice Kids Gemany 2013“ do kênh truyền hình Pro7 và Sat1, Đức, tổ chức lần đầu tiên, và lọt vào top 12, bởi giọng hát opera trời phú. Cùng năm, tại cuộc thi tài năng trẻ “You Berlin 2013“, Kiều Trang giành được cùng lúc hai giải thưởng lớn: Giải nhì tài năng trẻ Berlin 2013 và, giải nhất tài năng trẻ Berlin được khán giả yêu thích nhất. Sau hai cuộc thi, Kiều Trang được mời biểu diễn tại đêm Gala tổng kết năm 2013 của UNICEF tại CHLB Đức. Cô cũng là nghệ sĩ trẻ đặc biệt được mời 3 lần liên tiếp trong Gala của UNICEF tại Đức.  

Anh Cường kể: Công của vợ tôi rất lớn, vì yêu âm nhạc, âm thầm đồng hành cùng con trong việc học, rồi tự quay băng hình gửi cho con đi thi. “Trong quá trình các cháu phát triển thì người ở ngoài phát hiện ra tài năng nhiều hơn là bố mẹ. Kiều Trang đến khi đi học ngoại khóa (có hát, đàn piano), có một hôm trong cuộc thẩm định âm thanh thầy giáo piano của cháu phát hiện ra cháu có giọng hát hay. Vợ tôi đến nói chuyện, thầy bảo gửi đến cho một nghệ sĩ opera của Nhà hát kịch đào tạo. Cháu được học mỗi một chủ nhật một tiết học 45 phút, học cho vui để xem phát triển như thế nào. Độ khoảng gần một năm, cũng ít giờ học, hai mẹ con mới quay phim qua điện thoại để gửi đi thi The Voice Kids mà mình không biết".- Anh Cường nhớ lại buổi đầu tiên ấy.

Độc lập, cá tính và năng động, mặc dù có rất nhiều lời mời hấp dẫn trong nghề, nhưng Kiều Trang quyết định dừng lại không theo nghiệp opera, mà rẽ hướng theo con đường của bố và ông nội: làm điện ảnh. Anh Phạm Mạnh Cường nói, vẫn như trước, anh chị tuyệt đối tôn trọng lựa chọn của con và hiểu vì sao con không muốn trở thành người nổi tiếng trên sân khấu biểu diễn: “Đào tạo một tài năng về nhạc cổ điển khó. Hát cổ điển không như người hát pop. Rất khổ luyện. Hát một mình trong phòng, chỉ nhìn gương một mình. Rất cô đơn. Nếu không có nghị lực không làm được. Còn Kiều Trang sống rất động. Cháu không thích mình cô đơn trong lĩnh vực đó, nên sau này nó xin bỏ, không học. Bây giờ cháu muốn học đạo diễn, nhưng rồi cuối cùng học cả lý luận phê bình phim, học cách làm chủ nhiệm phim, vừa học vừa làm cho một công ty làm sáng tạo video.”

Luôn hướng các con về văn hóa nguồn cội Việt Nam, hòa nhập vào xã hội với hai nền văn hóa Việt và Đức, anh Phạm Mạnh Cường nói, mong muốn của anh chị và cũng là của các con gái, là một ngày nào đó sẽ được tham gia cộng tác với các nhà làm phim Việt.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu