Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực quý, giàu tiềm năng, có thể đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển đất nước ta giàu, mạnh. Trong đó, lực lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc có những đóng góp đáng kể về nguồn ngoại tệ, với lượng kiều hối chuyển về trong nước hàng năm ước đạt từ 5-7 tỉ đô la Mỹ. Điều này không chỉ góp phần tăng nguồn ngoại tệ hàng năm cho đất nước, cải thiện cuộc sống của bản thân người lao động và gia đình, mà còn đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương và xã hội.
Để lao động Việt Nam tại nước ngoài có thể tận dụng cơ hội, phát huy tốt nhất vai trò của mình, nâng cao chất lượng nguồn lao động được coi là yêu cầu then chốt đặt ra hiện nay.
Theo số liệu ước tính của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), hiện nay, Việt Nam có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với khoảng 30 ngành, nghề khác nhau.
95% tập trung ở các thị trường chính, như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Nhật Bản: khoảng 300.000 người
Đài Loan (Trung Quốc): khoảng 250.000 người
Hàn Quốc: khoảng 50.000 người.)
Nếu như trước đây, các nước chủ yếu tiếp nhận lao động phổ thông, thì nay, nhu cầu đang chuyển dịch về lao động có trình độ, tay nghề cao, ngoại ngữ tốt.
(30123) Đây là các học viên tham gia chương trình đào tạo hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản, với mục đích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô hybrid và ô tô điện. Chương trình đào tạo học tại Việt Nam với sự giảng dạy trực tiếp của các chuyên gia đến từ Nhật Bản với các trang thiết bị hiện đại, thực tế.
Ngoài học lý thuyết và thực hành, các học viên cũng phải học tiếng Nhật. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các em có thể đi làm việc tại Nhật Bản với mức lương từ 26-30 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Bộ LĐTBXH đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, đưa được 500.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 80-90% lao động đã được đào tạo cơ bản về trình độ tay nghề, ngoại ngữ.
Để làm được điều này, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương, cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp để tăng cường kết nối và đẩy mạnh gắn kết giữa đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Việc nâng cao chất lượng người lao động không chỉ đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài, đảm bảo sức cạnh tranh của lao động Việt trên thị trường lao động thế giới, mà còn giúp nâng cao uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, nguồn lao động chất lượng cao được nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm ở nước ngoài sẽ tiếp tục phục vụ cho sự phát triển của đất nước sau khi trở về.