Kiến tạo tầm nhìn và kết nối để biến Di sản Hà Giang thành thương hiệu du lịch

Mỹ Trà
Chia sẻ
(VOV5) -Để thúc đẩy Hà Giang phát triển kinh tế du lịch bền vững cần có tư duy kiến tạo của lãnh đạo cùng sự phối hợp liên kết vùng với các tỉnh Đông và Tây Bắc. 

  Tỉnh Hà Giang có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, với nhiều nét hoang sơ, độc đáo, cùng với bản sắc văn hóa đa dạng. Để thúc đẩy Hà Giang phát triển kinh tế du lịch bền vững cần có tư duy kiến tạo của lãnh đạo và sự phối hợp liên kết vùng với các tỉnh Đông và Tây Bắc. Đó là nhận xét của các đại biểu tham dự hội thảo liên kết vùng trong chiến lược thúc đẩy kinh tế, du lịch tỉnh Hà Giang và các tỉnh Đông - Tây Bắc diễn ra tại Hà Giang chiều 16/11, trong khuôn khổ sự kiện Lễ hội hoa tam giác mạch. Hội thảo do UBND tỉnh Hà Giang, Yên Bái phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Kiến tạo tầm nhìn và kết nối để biến Di sản Hà Giang thành thương hiệu du lịch - ảnh 1 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mỹ Trà

Hội thảo có gần 20 tham luận của các nhà quản lý văn hoá, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Đức, Đan Mạch… Nhiều tham luận đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang trong liên kết vùng về kinh tế, du lịch với các tỉnh Đông – Tây Bắc.

Cao nguyên đá Đồng Văn được nhận diện như một tài nguyên du lịch độc đáo riêng có của Hà Giang tại Việt Nam bởi sự hùng vĩ, độc đáo và mang nhiều giá trị về văn hóa, khảo cổ. Những năm gần đây, du khách bắt đầu có những nhận biết về Hà Giang với tư cách là một điểm đến mới hấp dẫn, Hà Giang còn là vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời, nơi hội tụ, sinh sống của 19 dân tộc anh.

Kiến tạo tầm nhìn và kết nối để biến Di sản Hà Giang thành thương hiệu du lịch - ảnh 2 Em bé Hà Giang. Ảnh: Mỹ Trà

 Bên cạnh đó, Tỉnh có một số lễ hội tiêu biểu được tổ chức thường niên khá thành công, và tạo ra hiệu ứng quảng bá hình ảnh du lịch cho Hà Giang rất tốt, như Lễ hội hoa tam giác mạch (tổ chức thường niên vào tháng 11 hàng năm), Chợ tình Khâu Vai, huyện Mèo Vạc (tổ chức thường niên vào tháng 3 âm lịch); Lễ hội ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (tổ chức thường niên vào tháng 10 hàng năm); cùng với đó là các di tích lịch sử, văn hóa, như: Cột cờ Lũng cú – Đồng Văn; Khu di tích dinh thự nhà Vương (hay còn gọi là Vua mèo)... Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Giang xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia với du lịch xanh và bền vững thông qua các loại hình như: du lịch sinh thái, cộng đồng, thăm quan, trải nghiệm theo hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giá trị khảo cổ và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển du lịch Hà Giang nói riêng và vùng nói chung cần có chiến lược dài hạn để vượt qua nhiều thách thức khách quan. Ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: “Phát triển du lịch cần có chiến lược đúng đắn, đòi hỏi tính hấp dẫn, tính mới cho du khách phải được gia tăng thường xuyên; cần nhân lực có trình độ nghiệp vụ và kỹ năng, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ để tiếp đón, phục vụ các du khách quốc tế; chất lượng các dịch vụ liên quan phải tốt; năng lực quản lý phải thích ứng với sự tăng trưởng của ngành... Và đây đang là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển du lịch Hà Giang nói riêng, của vùng Đông - Tây Bắc nói chung. Tại hội thảo này, với tinh thần cầu thị, chúng tôi mong muốn cùng các tỉnh bạn, các chuyên gia, nhà khoa học, các tập đoàn, doanh nghiệp thiết lập mạng lưới liên kết trong phát triển du lịch nhằm gia tăng quyết tâm của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. 

Kiến tạo tầm nhìn và kết nối để biến Di sản Hà Giang thành thương hiệu du lịch - ảnh 3Ký kết hợp tác tại Hội thảo. Ảnh: Mỹ Trà 

Các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp trong việc thúc đẩy việc liên kết vùng, trong đó tập trung vào các giải pháp phát triển du lịch cần phải đi song song với việc bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển văn hoá, con người... trong đó có kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế.

“ Nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy các dân tộc thiểu số thoát nghèo thành công có một số đặc điểm chung: cơ hội tạo thu nhập trong nông nghiệp có giá trị cao hoặc phi nông nghiệp; kết nối với trung tâm đô thị để có cơ hôi việc làm; có tiếng nói và được tham gia vào các quá trình ra quyết định; đồng thời có tiếp cận với các dịch vụ giáo dục và y tế tốt.” - Tiến sĩ Ousmane Dione, giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.

Tiến sĩ Ousmane Dionne cũng khẳng định: "Chúng tôi ủng hộ tầm nhìn này và WB sẵn sang giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Hà Giang để nhanh chóng biến tầm nhìn này thành thực tiễn vì lợi ích của người dân để không ai bị bỏ lại phía sau".

Kiến tạo tầm nhìn và kết nối để biến Di sản Hà Giang thành thương hiệu du lịch - ảnh 4Trong khuôn khổ của hội thảo, UBND tỉnh Hà Giang cũng cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu “Amazing Ha Giang” (Kỳ vĩ Hà Giang). 
Kiến tạo tầm nhìn và kết nối để biến Di sản Hà Giang thành thương hiệu du lịch - ảnh 5 Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và đại diện Tập đoàn Vingroup cắt băng khai trương gian hàng Vinmart tại Đồng Văn.
Kiến tạo tầm nhìn và kết nối để biến Di sản Hà Giang thành thương hiệu du lịch - ảnh 6Các đại biểu tham quan sản phẩm nông sản của Hà Giang bày bán tại cửa hảng Vinmart. 
Kiến tạo tầm nhìn và kết nối để biến Di sản Hà Giang thành thương hiệu du lịch - ảnh 7Các đại biểu thảo luận về logo Amazing Hà Giang. 

Với khát vọng đưa Hà Giang trở thành Thương hiệu du lịch Quốc gia, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp vối các nhà đầu tư, các công ty lữ hành đề xuất Chiến lược quảng bá thương hiệu Hà Giang Kỳ vĩ - Amazing Hà Giang. “Amazing Hà Giang” sẽ mang những hình ảnh Hà Giang thiên nhiên kỳ vĩ và rực rỡ những sắc màu văn hóa đến với du khách trong và ngoài nước thông qua bộ nhận diện thương hiệu độc đáo cùng những sản phẩm truyền thống hấp dẫn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu