PV: Thưa PGS Nguyễn Tuấn Anh, chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu 5 năm về sa sút trí tuệ cho Việt Nam vừa kết thúc, và cũng có những kết quả được trình bày tại Hội nghị Lão khoa quốc gia lần thứ 4. Là người tham gia khởi động chương trình từ những ngày đầu, ông có thể đưa ra những đánh giá của mình sau cả một quá trình này?
PGS Nguyễn Tuấn Anh: Tháng 5/2017 Đại hội đồng tổ chức Y tế thế giới đã thông qua Kế hoạch hành động toàn cầu về phòng, chống sa sút trí tuệ, với mục tiêu đầu tiên là đưa sa sút trí tuệ trở thành ưu tiên y tế quốc gia thông qua việc xây dựng hoặc làm mới các Kế hoạch quốc gia phòng, chống sa sút trí tuệ của mỗi nước. Các mục tiêu khác bao gồm nâng cao nhận thức và sự thân thiện đối với sa sút trí tuệ; giảm các yếu tố nguy cơ; chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ người bệnh sa sút trí tuệ; hỗ trợ người chăm sóc; phát triển hệ thống thông tin y tế về sa sút trí tuệ; và tăng cường nghiên cứu đổi mới về sa sút trí tuệ. Việt Nam là một trong 194 thành viên của Tổ chức y tế thế giới đã ký chấp thuận vào kế hoạch hành động toàn cầu này.
Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đến từ Viện nghiên cứu Lão khoa quốc gia Australia (NARI) và Đại học công nghệ Swinburne cùng với các đối tác đến từ các Viện, Trường đại học hàng đầu của Australia, Mỹ và Việt Nam, đã xây dựng nên một chương trình nghiên cứu về sa sút trí tuệ cho Việt Nam; tập trung vào 3 trong 7 mục tiêu ưu tiên của Kế hoạch hành động toàn cầu: Một là xây dựng Kế hoạch quốc gia phòng, chống sa sút trí tuệ của Việt Nam thông qua dự án NHMRC - NAFOSTED của liên chính phủ Australia và Việt Nam. Thứ hai là phát triển các can thiệp hỗ trợ người thân chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ và thứ ba là nâng cao năng lực cho các nhà lãnh đạo nghiên cứu sa sút trí tuệ của Việt Nam trong tương lai, nhằm tăng cường nghiên cứu và đổi mới về sa sút trí tuệ, thông qua dự án NIH R01của Hoa Kỳ và dự án NHMRC – eASIA của Australia, New Zealand, Indonesia và Việt Nam.
Chúng tôi đã rất may mắn có được sự hợp tác đến từ các nhà hoạch định chính sách như Phó giáo sư Phạm Lê Tuấn, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Y tế, TS Trần Quốc Bảo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, các chuyên gia đầu ngành về sa sút trí tuệ và lão khoa như giáo sư Phạm Thắng - lúc đó là Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Chủ tịch Hội lão khoa Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh - lúc đó là Phó giám đốc Bệnh viện lão khoa Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa thần kinh và bệnh Alzheimer, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phó giáo sư Vũ Thị Thanh Huyền, lúc đó là Trưởng khoa chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện lão khoa Trung ương và các chuyên gia về y học dự phòng và y tế công cộng như Phó giáo sư Kim Bảo Giang ở Đại học Y Hà Nội.
PGS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa thần kinh và bệnh Alzheimer, Giam đốc Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương và PGS Nguyễn Tuấn Anh. |
Nhờ đó mà qua 5 năm thực hiện các dự án, chúng tôi đã đạt được những thành công đáng khích lệ: Thứ nhất là sa sút trí tuệ đã được đưa vào kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2022, tạo tiền đề cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống sa sút trí tuệ trong các năm tới.
Thứ hai là chúng tôi đã Việt Nam hóa hai mô hình can thiệp hỗ trợ người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ là mô hình REACH của Mỹ thành mô hình REACH Việt Nam, và mô hình iSupport của Tổ chức Y tế thế giới thành mô hình trợ lý điện tử e-DiVA, để phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ và ngữ cảnh của Việt Nam.
Cuối cùng chúng tôi đã tạo ra một mạng lưới nghiên cứu về sa sút trí tuệ của Việt Nam mà chúng tôi đặt tên là VAN (nghĩa là Vietnam Alzheimer's and other dementia research network), gồm có 21 nhóm nghiên cứu đến từ 12 Viện, Trường, Bệnh viện tại Việt Nam.
PV: Với những kết quả phải nói là rất đáng kể đó, thì nhóm nghiên cứu có dự định triển khai tiếp những hoạt động gì để tiếp tục góp phần phát huy những kết quả đã đạt được?
PGS Nguyễn Tuấn Anh: Từ những kết quả đạt được trong 5 năm vừa qua, chúng tôi sẽ tiếp tục xin tài trợ cho các dự án mới để nghiên cứu về sa sút trí tuệ, nhằm: Thứ nhất là triển khai Kế hoạch quốc gia phòng, chống sa sút trí tuệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập trung vào các mục tiêu ưu tiên như can thiệp giảm các yếu tố nguy cơ hay còn gọi là dự phòng sa sút trí tuệ; nâng cao nhận thức và giảm kỳ thị đối với bệnh nhân sa sút trí tuệ trong cộng đồng cũng như trong nhân viên y tế; nhận diện các chỉ dấu sinh học để góp phần chẩn đoán sớm và hỗ trợ điều trị, đặc biệt là khi các thuốc điều trị tận gốc đang ngày càng có triển vọng.
Thứ hai, là chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ. Ví dụ, để tiếp nối dự án NHMRC-eASIA chúng tôi sẽ đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy vào để hoàn thiện hơn nữa trợ lý điện tử e-DiVA và tạo ra sản phẩm y học kỹ thuật số tiên tiến của Việt Nam giúp đỡ người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Cuối cùng, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng mạng lưới VAN với mục tiêu là có sự tham gia của khoảng 80% các trường đại học, Viện nghiên cứu và bệnh viện trên toàn quốc. Tiếp tục kết nối các thành viên của mạng lưới với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu sa sút trí tuệ cụ thể.
Những hoài bão này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi đối tác của chúng tôi là Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh hiện giờ đã giữ cả hai cương vị là Giám đốc Bệnh viện lão khoa Trung ương và Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam. Và bệnh viện Lão khoa Trung ương vừa thành lập Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về sa sút trí tuệ đầu tiên của Việt Nam do Phó giáo sư Nguyễn Thanh Bình làm Giám đốc với sự hỗ trợ của Ban cố vấn là các chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ các quốc gia có nền nghiên cứu sa sút trí tuệ phát triển như Anh, Australia và Mỹ..
PGS Nguyễn Tuấn Anh cùng các thành viên Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ (Viện Lão khoa Trung ương) mới thành lập |
PV: Được biết là ông, trong vai trò nhà khoa học của Viện Nghiên cứu lão khoa quốc gia Australia (NARI) và Trường Đại học Công nghệ Swinburne, cũng bắt đầu cho việc xây dựng dự án hợp tác mới, liên quan đến chuyển đổi số y tế của Việt Nam?
PGS Nguyễn Tuấn Anh: Số hóa trong chăm sóc sức khỏe là xu hướng toàn cầu, và nó có thể được khai thác để hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe, thực hiện đánh giá lâm sàng, quy trình chẩn đoán và theo dõi sức khỏe từ xa thông qua các nền tảng trực tuyến và các giải pháp di động khác nhau, nhằm giảm thiểu hoặc thay thế các tương tác trực tiếp đang trở nên không an toàn hoặc không có sẵn.
Sự thành công của việc triển khai các giải pháp y tế kỹ thuật số đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh quốc gia của hệ thống công nghệ và y tế, các quy trình về chính sách chăm sóc, cũng như các thực tiễn tốt nhất về y học kỹ thuật số của thế giới. Nó cũng đòi hỏi sự hợp tác giữa Chính phủ, các học giả, bác sĩ lâm sàng, nhà đổi mới, nhà đầu tư và các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành.
Để tăng cường hợp tác giữa Australia và Việt Nam trong việc phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe và an ninh y tế, Hội quân dân y Việt Nam, Viện Chiến lược và chính sách y tế của Bộ Y tế đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Đổi mới Sáng tạo Y tế Iverson thuộc Đại học Công nghệ Swinburne và Viện nghiên cứu lão khoa quốc gia Australia (NARI) tổ chức Hội nghị quốc tế về y tế số kéo dài hai ngày 8 - 9/11/2023 nhằm thu hút các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe y tế số, để chia sẻ những đổi mới, những kinh nghiệm và quan điểm của mình.
Mục đích là thúc đẩy đối thoại quốc tế nhằm thảo luận về các cơ hội, thách thức, điều kiện cần thiết đối với Australia và Việt Nam trong việc chuyển đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe của mỗi quốc gia, tập trung vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới mô hình chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm, thông qua các giải pháp y tế kỹ thuật số.
Các bên liên quan đã thống nhất hợp tác xây dựng Đề án đánh giá việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành y tế trong 3 năm qua và xây dựng Kế hoạch số hóa trong chăm sóc sức khỏe nhân dân cho các năm tới.
Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này, và rất mong đợi vào tiến trình sắp tới của Dự án.