“Cần có bản sắc riêng trong phát triển du lịch cộng đồng“

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam có thể trở thành một trọng những quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển du lịch cộng đồng, nếu được phát triển đúng hướng và có sự quản lý tốt.

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa bản địa. Việt Nam với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa ẩm thực độc đáo, sự thân thiện của người dân…được du khách đánh giá cao.

Nhận thấy những tiềm năng này tại Việt Nam, cùng với những vốn kiến thức kinh nghiệm tích lũy về mảng du lịch, dịch vụ , năm 2021, chị Phí Linh Giang, người có gần 15 năm làm việc ở nhiều quốc gia, quyết định trở về Việt Nam vừa phát triển sự nghiệp, vừa mong giúp bà con dân tộc làm du lịch cộng đồng một cách bài bản. Chị Linh Giang cho rằng, Việt Nam có thể trở thành một trọng những quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển du lịch cộng đồng, nếu được phát triển đúng hướng và có sự quản lý tốt. Đây cũng là nội dung cuộc phỏng vấn giữa PV Đài TNVN với chị Linh Giang.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 
PV: Xin chào! Chị hãy giới thiệu cho khán giả VOV đôi chút về bản thân mình?

Linh Giang: Xin chào các bạn thính giả. Tên tôi là Linh Giang. Mọi người hay nhắc đến tôi như một công dân toàn cầu vì có 14 năm sống ở nước ngoài, di chuyển qua 3 lục địa Úc, Á, Âu để học tập và làm việc tại Singapore, Úc và Đan Mạch. Trước khi quyết định quay trở lại Việt Nam vào năm 2021 thì tôi là Phó giáo sư dự khuyết tại Đại học Aalborg ở Copenhagen. Hiện tôi là giảng viên, tác giả sách, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu, tư vấn về du lịch và khởi nghiệp tại đại học VinUni, Hà Nội Việt Nam.

“Cần có bản sắc riêng trong phát triển du lịch cộng đồng“ - ảnh 1PGS dự khuyết tại Đại học Aalborg ở Copenhagen. 
Giảng viên tại Đại học VinUNi. Ảnh nvcc

PV: Với kinh nghiệm của người có chuyên môn sâu về du lịch và tham gia rất nhiều chuyến khảo sát famtrip tại các địa phương, trong các chuyến khảo sát, chị nhận xét như thế nào về thực trạng của du lịch cộng đồng hiện nay ở Việt Nam.

Linh Giang: Du lịch cộng đồng ở Việt Nam hiện nay vẫn đa phần là tự phát, và các chủ homestaycũng như người dân làm du lịch ở địa phương vẫn thiếu các kiến thức cơ bản về việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng. Đó là lí do mà nhiều làng du lịch cộng đồng khi mở ra rất khó đón được lượng khách thường xuyên, và thường chỉ có thể tiếp được các dòng khách phổ thông hoặc Tây ba lô có chi tiêu hạn chế. Bên cạnh đó, khái niệm du lịch cộng đồng còn thường xuyên bị hiểu sai, như việc cả làng phải cùng làm du lịch, phải lập hợp tác xã và phải chia đều lợi nhuận thì mới gọi là cộng đồng. Trên thực tế có hàng chục mô hình du lịch cộng đồng khác nhau, và những mô hình thành công nhất thường dựa trên đóng góp tùy năng lực của mỗi hộ dân, đặc biệt là sự nỗ lực của các doanh nhân tiềm năng người địa phương.

PV: Xu hướng hiện nay, du khách thích trải nghiệm cuộc sống và lựa chọn lưu trú ngày càng nhiều tại các gia đình bản địa…Với bản sắc văn hóa vùng miền rất đa dạng và độc đáo chính là tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch Việt Nam không thưa chị?

“Cần có bản sắc riêng trong phát triển du lịch cộng đồng“ - ảnh 2Nhóm tư vấn du lịch cộng đồng đến thăm homestay Asu Mù Cang Chải, thuộc hệ thống hơn 80 dự án được hỗ trợ bởi CBT travel & consulting10. Ảnh nhân vật cung cấp

Linh Giang: Xu thế trong và sau đại dịch Covid là du khách rất thích đi ra khỏi những thành phố lớn đông đúc chật chội để về miền quê, vừa để nghỉ dưỡng vừa tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa địa phương. Việt Nam có đến 54 dân tộc anh em, vì vậy du lịch cộng đồng vùng núi và nông thôn có tiềm năng rất lớn với cả khách du lịch nội địa và khách quốc tế. Đặc biệt, các công ty lữ hành quốc tế luôn cố gắng tìm kiếm các trải nghiệm văn hóa thích hợp cho đối tượng khách inbound, tuy nhiên có rất ít làng làm du lịch cộng đồng có được các sản phẩm chỉn chu, chất lượng trung và cao để đón các dòng khách quốc tế này.

PV: Như chị vừa chia sẻ, ngoài giảng dạy về du lịch ở Đại học VinUni, viết sách, chị còn có những dự án hợp tác về làm du lịch cộng đồng, homestay với một số người tâm huyết về du lịch, chẳng hạn như với anh Dương Minh Bình, một trong những người cho là đặt nền móng cho phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam?

Linh Giang: Anh Dương Minh Bình được biết đến như là CBT Guru – người thầy của du lịch cộng đồng Việt Nam. Công ty CBT Travel và Consulting của anh đã hỗ trợ hơn 80 dự án trên khắp cả nước, và rất nhiều dự án vẫn đang hoạt động khá thành công, sau nhiều năm vẫn được các công ty lữ hành inbound gửi khách đều đặn. Mình có duyên làm việc với anh từ năm 2014, và đã viết khá nhiều bài báo cũng như chương sách chia sẻ mô hình xây dựng du lịch cộng đồng và du lịch homestay đạt chuẩn quốc tế.

Dự án đầu tiên mà anh Bình làm là tại làng Mai Hịch vào năm 2012. Điều thú vị là Mai Hịch chỉ cách bản Lác, làng du lịch cộng đồng truyền thống tại Mai Châu tầm 5 cây số. Tuy nhiên vì cách xây dựng sản phẩm du lịch khác nhau, nên Mai Hịch nhận được phản hồi tốt từ dòng khách nước ngoài trung và cao cấp, trong khi khách đến bản Lác vẫn chủ yếu là dòng khách Tây Ba lô hoặc khách nội địa phổ thông. 

“Cần có bản sắc riêng trong phát triển du lịch cộng đồng“ - ảnh 3Cuốn sách về bí quyết xây dựng và vận hành homestay- du lịch cộng đồng. Ảnh nvcc

Sau Covid, Mai Hịch đã mở rộng thêm nhiều phòng riêng, nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm mới, mang đến nguồn lợi rất lớn cho người dân tộc Thái tại đây. Tuy nhiên sau 10 năm gắn bó với việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng, trong các đợt khảo sát gần đây, mình phát hiện ra vẫn còn hàng ngàn hộ dân làm homestay và hàng trăm điểm du lịch cộng đồng tại Việt Nam chưa tiếp cận được với các kiến thức cơ bản nhất để đạt được thành công trong việc sử dụng du lịch để xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững tại địa phương.

“Cần có bản sắc riêng trong phát triển du lịch cộng đồng“ - ảnh 4Một mô hình homstay được du khách quốc tế ưa thích ở Mai Hịch- Mai Châu

Bên cạnh đó việc không sử dụng và giao tiếp được bằng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cũng tạo trở ngại cho cộng đồng trong việc giao tiếp với khách và kể được câu chuyện văn hóa một cách chân thực nhất. Đó là động lực để đội chúng tôi làm cuốn sách Bí quyết xây dựng và vận hành homestay thành công, cũng như dự án giáo trình dạy tiếng Anh thống nhất cho các làng du lịch cộng đồng tại Việt nam.

PV: Theo chị, có công thức chung trong tạo dựng thương hiệu du lịch cộng đồng không. Cá nhân tôi thấy rằng, mình vẫn thích trải nghiệm du lịch tại những bản làng không đơn thuần chỉ làm du lịch mà nơi đó phải thực sự có sức sống của lao động sản xuất, nông nghiệp?

Linh Giang: Các công thức thì khá đơn giản, nhưng đầu tiên là phải bảo đảm điều kiện ăn, ngủ sạch sẽ, hợp vệ sinh tại homestay. Việc xây dựng cơ sở vật chất và mua trang thiết bị có thể không cần tốn kém, nhưng cần đạt chuẩn nhất định, và việc thiết kế nên dựa vào bản sắc văn hóa và vật liệu có sẵn tại địa phương như tre, nứa, đá, sỏi. Ngoài ra, quy chuẩn vận hành cũng rất quan trọng để bảo đảm khách luôn được đón tiếp niềm nở, được ăn các món ăn phù hợp khẩu vị và môi trường quanh homestay luôn sạch sẽ, gọn gàng, không bị ô nhiễm âm thanh ánh sáng dù khách đến làng bất kì khi nào.

Khi đã có homestay đạt chuẩn thì khách sẽ có thể nán lại làng lâu hơn, từ 1-2 ngày và người dân có thể phát triển thêm các hoạt động trải nghiệm du lịch đi kèm và mang đậm bản sắc văn hóa, địa lí của từng vùng miền. Tôi đã từng làm đánh giá tác động cho làng du lịch cộng đồng Mai Hịch và đã được xuất bản bởi tổ chức du lịch thế giới UNWTO năm 2017. Theo đó, 3 homestays tại Mai Hịch tạo được thêm 21 việc làm ở các vị trí lễ tân, dọn phòng và nhà hàng.

“Cần có bản sắc riêng trong phát triển du lịch cộng đồng“ - ảnh 5Trải nghiệm chèo thuyền bè mảng ở Mai Hịch- Mai Châu. Ảnh nvcc

Ngoài ra, các hoạt động như trình diễn văn nghệ, giặt ủi, hướng dẫn viên, chèo bè trên suối và cho thuê xe đạp, xe máy cũng giúp tạo thêm nguồn thu nhập cho 58 hộ gia đình, vốn dĩ trước đây sống dựa hoàn toàn vào làm nông.

Việc phát triển sản phẩm du lịch một cách có hệ thống và bài bản đã giúp cho người dân địa phương có thêm nhiều nguồn sinh kế bổ trợ, giúp nâng cao chất lượng đời sống đồng thời gìn giữ những nét đẹp văn hóa, truyền thống của làng quê Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu