Trả lời thính giả về một số phong tục đón Tết của người Việt

Chia sẻ
(VOV5) - Tuần qua, chương trình nhận được thư của thính giả chúc mừng năm mới, mừng Tết cổ truyền của người Việt.

Thư của thính giả gửi về tuần qua hỏi về một số phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt như cúng ông Công ông Táo, phong tục đón Tết của các dân tộc...Chương trình cũng nhận được nhiều lời chúc ý nghĩa từ thính giả

Nghe âm thanh tại đây:
 

Không khí của mùa xuân đang tràn ngập khắp nơi. Chỉ còn vài ngày nữa người Việt ở khắp nơi trên thế giới sẽ vui đón Tết cổ truyền dân tộc. Trên các phương tiện truyền thông của Đài TNVN, của Ban đối ngoại cùng trang web vovworld.vn, luôn tưng bừng sắc đỏ,hồng vàng, cùng âm thanh rực rỡ của những hoạt động chuẩn bị cũng như Tết cổ truyền sớm của cộng đồng người Việt ở các nước. Những sự kiện tổ chức trong nước cho người Việt đón xuân. Khắp nơi, sáng bừng không khí mừng Đảng, mừng xuân của người việt. Thính giả ở khắp nơi cũng gửi những lời chúc ý nghĩa.

Thính giả Armando Francisco Higuera del Reyo, ở Mexico gửi lời chức mừng nhân dân Việt Nam nhân dịp 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản quang vinh.   Thính giả Juan Diez, ở Santander, Tây Ban Nha, chia sẻ: “Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc mang những điều tốt đẹp nhất cho du khách. Thính giả Trần Triết Tấn ở Phúc Kiến, Trung Quốc bày tỏ: Sang năm mới, dù bận rộn với công việc nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục quan tâm và đón nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Tết là lễ hội truyền thống của người dân Trung Quốc và Việt Nam, tôi xin chúc các bạn một năm mới vui vẻ và mọi điều tốt đẹp nhất

Quý thính giả thân mến,

Nhiều thính giả ở trong nước và nước ngoài cũng tiếp tục gửi thư, muốn tìm hiểu những hoạt động văn hóa của người Việt. Thính giả Chan Sopheak từ Phnompenh, Campuchia muốn tìm hiểu sự khác nhau về thời gian cúng ông Công, ông Táo ở 3 miền Bắc-Trung-Nam của người Việt.

Thưa quý vị, người miền Bắc quan niệm sau 12h00 trưa ngày 23 tháng Chạp ông Công ông Táo sẽ về chầu trời và không còn ở dương gian nên họ thường làm lễ cúng từ rất sớm. Các gia đình thường sẽ làm lễ cúng vào khoảng ngày 20 tháng Chạp cho đến muộn nhất là trước 12h00 của ngày 23. Miền trong sẽ đơn giản nhất và có sự khác biệt một chút so với phong tục cúng ở các miền khác. Hầu hết người miền Nam sẽ cúng ông Táo vào hai ngày, ngày đầu tiên là ngày 23 tháng Chạp để tiễn ông Táo về trời. Theo tín ngưỡng thì người miền Nam cho rằng, ông Táo sẽ bẩm bảo từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp vì vậy mà họ sẽ cúng thêm lễ đón ông Táo về nhà vào ngày 7 tháng Giêng hằng năm. Người miền Nam cũng cho rằng nên cúng vào cuối ngày, sau khi đã dùng xong bữa tối và không dùng đến bếp nữa, họ sẽ làm lễ cúng trong khoảng thời gian từ 20h00 đến 23h00.

Thính giả Kamei Mikio Sudo, ở tỉnh Chiba, hỏi phong tục đón Tết của người Việt Nam như thế nào?

Đó là tục cúng ông Công, ông Táo, gói bánh chưng, chơi  hoa dịp Tết, mâm ngũ quả, dọn dẹp nhà cửa, viếng thăm mộ tổ tiên, cúng tất niên, cùng đón Giao thừa, Hái lộc, xông đất, chúc Tết và mừng tuổi, đi lễ chùa đầu năm, Xuất hành

 Về câu hỏi Có sự khác biệt về phong tục đón Tết của các dân tộc không?

Câu trả lời là mỗi dân tộc đều có phong tục đón Tết riêng. Ví dụ: người Lô lô và tục “ăn trộm lấy may”với quan niệm sẽ gặp may mắn, ăn nên làm ra. Người Mường với phong tục gọi trâu về ăn Tết. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cày. Tục Tết nhảy của người Dao giúp không chỉ rèn luyện thể chất dẻo dai mà còn để chuẩn bị cho những vụ mùa mới đang chờ đợi ở phía trước. Người Hà Nhì xem bói gan lợn để tiên đoán năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.

Thính giả Phol Phanit, người Campuchia, muốn tìm hiểu về tour ngắm pháo hoa trên du thuyền sông Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh.

Những ngày trước Tết Nguyên Đán, nhiều đơn vị kinh doanh du thuyền trên sông Sài Gòn đã triển khai các tour du lịch theo khách đặt chỗ. Công ty GreenLines DP, đơn vị kinh doanh vận tải thủy cho biết, nhiều khách tìm hiểu về tour du thuyền và xem pháo hoa. Số lượng phục vụ khách đoàn từ 12 đến 20 người, mức giá mỗi tour du ngoạn trên sông Sài Gòn khoảng 15 đến 20 triệu đồng. Còn Công ty cổ phần Les Rivers có 3 du thuyền và 14 cano phục vụ khách dịp Tết Nguyên Đán. Chương trình tham quan từ 22h và kết thúc 1 giờ sáng, mức giá 4 triệu đồng/khách. Tuy nhiên, hiện nay, sức mua giảm vì kỳ nghỉ dài, du khách có nhiều lựa chọn du lịch ở các nơi khác trên cả nước. Ngoài ra, nhóm khách phổ biến tour này-việt kiều và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam, thường về quê thăm gia đình dịp Tết, dẫn đến lượng khách giảm.  Du thuyền King Yatch cũng có chương trình đêm giao thừa với mức giá 1,7 triệu đồng, mỗi khách người lớn và 1,2 triệu đồng cho trẻ em. Hiện du khách vẫn có thể đặt chỗ cho đêm 30 Tết.

Thính giả Liana Safitri, ở Indonesia, hỏi truyện cổ tích được truyền miệng hay lưu hành bằng sách?

Truyện cổ tích là những câu truyện truyền miệng trong dân gian, thường xoay quanh những nhân vật tưởng tượng như những người tài giỏi, dũng sĩ, những người nghèo khổ có tấm lòng tốt….và cả những con vật được nhân cách hóa như con người. Là những câu truyện truyền miệng, nên truyện cổ tích thường được những người lớp trước, kể lại cho những người lớp sau, thông qua đó, mang nhiều ý nghĩa giáo dục. Tuy nhiên, từ lâu nay, tại Việt Nam, truyện cổ tích cũng đã được đưa vào sách, truyện và thậm chí ngày nay, được đưa vào các chương trình ngữ văn ở các trường học.

Thính giả Suphalat, ở tỉnh Vientiane, Lào, hỏi về nguồn gốc ngày thơ của Việt Nam.

Năm 1468, vào dịp mùa xuân, năm Quang Thuận thứ 9, đời vua Lê Thánh Tông, cháu nội của Lê Lợi, đưa quân đi tuần ở vùng biển Đông Bắc, có dừng thuyền ở chân núi Truyền Đăng, phía giáp với Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) để uống rượu ngâm thơ. Xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của thiên nhiên, nhà thơ - nhà vua Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên vách đá. Từ đấy núi Truyền Đăng được gọi là núi Bài Thơ. Nơi vách núi khắc bài thơ của vua Lê đã được Nhà nước cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia. Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử này, theo đề nghị của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh  năm 1988, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định lấy ngày 26-3 dương lịch (ngày vua Lê Thánh Tông khắc thơ trên núi) làm ngày "Thơ Quảng Ninh". Qua 16 lần tổ chức, Ngày thơ Quảng Ninh hoạt động ý nghĩa và hiệu quả, có sức lan toả trong cả nước. Để thể hiện ý tưởng, mong muốn và nguyện vọng của các nhà thơ Việt Nam cũng như đông đảo công chúng yêu thơ, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương, ngày 26-12-2002, tại kỳ họp thứ 8, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khoá 7) đã quyết định tổ chức Ngày thơ Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu