Thông tin biển đảo ngày 23/9/2023

Vĩnh Phong TH
Chia sẻ
(VOV5) - Việc dự thảo Hiệp định được ký là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển...

Việt Nam ký Hiệp định Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia

Trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, ngày 20/9, tại New York, Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp định, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Đã có hơn 60 quốc gia tham gia ký Hiệp định trong tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là Hiệp định thứ ba được đàm phán và ký kết trong khuôn khổ Công ước Luật biển năm 1982, tái khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Công ước với tư cách là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi 60 nước phê chuẩn.

Thông tin biển đảo ngày 23/9/2023 - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trao đổi với báo chí sau lễ ký, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Hiệp định này là văn kiện đầu tiên điều chỉnh toàn diện việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen biển ở các vùng biển quốc tế. Việc dự thảo Hiệp định được ký là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tiếp cận, tham gia nghiên cứu và hưởng lợi từ nguồn gien ở các vùng biển quốc tế.

Vịnh Hạ Long - Cát Bà trở thành Di sản Thiên nhiên thế giới thuộc 2 địa phương

Ngày 16/9, tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc, (UNESCO) đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển. Vịnh Hạ Long đã được UNESCO hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và năm 2000. Năm 2013, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái, được gửi tới Trung tâm Di sản Thế giới.

Thông tin biển đảo ngày 23/9/2023 - ảnh 2Phong cảnh ảnh Hạ Long. Ảnh BNews/ TTXVN

Tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành phố Hải Phòng phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ mở rộng Vịnh Hạ Long sang Quần đảo Cát Bà để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt gửi tới UNESCO với sự hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo nội dung khuyến nghị của các cơ quan quốc tế. Tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra tại Riyadh lần này, đoàn Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chuyên môn, 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới để cung cấp thông tin, cam kết về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi vào danh mục Di sản Thế giới. Các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới đều đánh giá cao giá trị di sản và ghi danh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản Thiên nhiên Thế giới.

3/ Khơi dậy tình yêu biển, đảo trong thế hệ trẻ

Ngày 17/9, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Lạng Sơn tổ chức Cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương", với sự tham gia của đông đảo học sinh đến từ 5 Trường Trung học Cơ sở tại thành phố, gồm: Vĩnh Trại, Hoàng Văn Thụ, Tam Thanh, Chi Lăng, Hoàng Đồng. Tại cuộc thi, Đại tá Bùi Đại Hải, Phó Chủ nhiệm chính trị Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết hơn 10 năm qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã chủ trì, phối hợp, tổ chức gần 100 Cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương" trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố.

Thông tin biển đảo ngày 23/9/2023 - ảnh 3Ảnh minh họa: Thuỳ Giang/TTXVN

Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 272 trường Trung học Cơ sở với hơn 6.770 học sinh trực tiếp thi. Cuộc thi thực sự đã trở thành ngày hội, bồi đắp thêm tình yêu biển, đảo của Tổ quốc, nâng cao ý thức trách nhiệm cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cuộc thi là điểm sáng nổi bật, thể hiện sự sáng tạo của Cảnh sát biển Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Thời gian qua, cùng với việc tổ chức Cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương", Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã huy động được khoảng 12 tỷ đồng (500.000 USD) từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà tài trợ để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

4/ Kịp thời cứu thuyền viên nước ngoài bị tai nạn trên biển

Ngày 16/9, tàu SAR 272 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, đang thường trực tại vùng biển Vũng Tàu, đã kịp thời đưa một thuyền viên tàu MSC SVEVA (quốc tịch Panama) bị tai nạn lao động về bờ cấp cứu.

Thông tin biển đảo ngày 23/9/2023 - ảnh 4Lực lượng cứu nạn hàng hải đã kịp thời tiếp nhận và cấp cứu thuyền viên bị nạn. Ảnh: TLdangcongsan.vn

Trước đó, tàu MSC SVEVA đang trong hành trình từ Singapore đi Trung Quốc, khi đến vị trí cách Vũng Tàu khoảng 156 hải lý về phía Đông Nam, có thuyền viên là thợ máy bị tai nạn lao động khiến khuỷu tay phải bị cắt sâu, mất nhiều máu, tình trạng nguy cấp. Thuyền trưởng tàu MSC SVEVA đã cho tàu chuyển hướng hành trình về Vũng Tàu và đề nghị hỗ trợ khẩn cấp. Trước tình huống khẩn cấp có khả năng nguy hiểm đến tính mạng thuyền viên, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn SAR 272 phối hợp với lực lượng y bác sỹ ra hiện trường cứu nạn. Được các y, bác sỹ chữa trị kịp thời, đưa về bờ cấp cứu, thuyền viên bị nạn đã qua tình trạng nguy kịch. Nạn nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Pháp - Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục chữa trị./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu