Nghệ nhân ví giặm Mai Hoa: mong muốn giữ gìn và phát huy dân ca trong cộng đồng những người con xứ Nghệ xa quê

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - "Tôi mong muốn sẽ sớm kết nối được với các anh các chị để có thể phát triển dân ca ví, giặm nhiều hơn nữa ở 26 nước Châu Âu".

Dân ca ví, giặm là hồn cốt của người dân Xứ Nghệ. Hát ví, hát giặm gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động, sản xuất của bà con từ rất lâu rồi, và cho đến tận bây giờ, trong nhịp sống hiện đại, những làn điệu dân ca ví, giặm luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân xứ Nghệ, đặc biệt là những người con xứ Nghệ xa quê.

Nghệ nhân ví giặm Mai Hoa: mong muốn giữ gìn và phát huy dân ca trong cộng đồng những người con xứ Nghệ xa quê - ảnh 1Nghệ nhân ví giặm Mai Hoa

Chẳng thế mà Trần Thị Mai Hoa – một nghệ nhân ví, giặm trẻ tuổi vẫn mang hồn quê ấy theo mình kể cả khi chị đã cùng gia đình sang định cư tại Slovakia. Yêu quê hương, nhớ ví, giặm, nghệ nhân Mai Hoa gửi lòng mình vào những câu hát nơi xa xứ. Chị cũng đang ấp ủ những dự định để giữ gìn và phát huy những làn điệu dân ca quê hương trong cộng đồng những người con xứ Nghệ xa quê.

Nghe âm thanh chương trình tại đây:
“Mai Hoa nhận danh hiệu nghệ nhân thực hành dân ca ví, giặm từ năm 2018. Trước đây tôi có học opera tại trường Cao đẳng nghệ thuật quân đội. Sau quá trình học tập, được các thầy cô và tỉnh nhà đào tạo hướng đến dòng dân gian. Mai Hoa đã phát triển giọng hát của mình qua các phong trào hát ví, giặm và các hội diễn. Từ đó, tôi thấm từng câu từng chữ trong những bài dân ca ví, giặm, và được công nhận làm mẫu thực hành để truyền đạt đến cho lớp trẻ".

“Từ khi còn ở nhà, Mai Hoa đã mong muốn được đưa những làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ra ngoài biên giới, để các bạn quốc tế biết được những cái hay, cái đẹp, sự du dương, trầm bổng và mặn mà của những bài dân ca ví, giặm. Cũng thật may mắn tôi có cơ hội sang định cư tại Slovakia, nơi có những người cũng rất yêu dân ca ví, giặm, mong muốn được học các làn điệu dân ca ví giặm, Vì thế mà việc phát triển dân ca ví, giặm ở Châu Âu cũng không phải quá khó khăn. Tôi được biết hiện tại ở CH Séc cũng đang có một Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Tôi mong muốn sẽ sớm kết nối được với các anh các chị để có thể phát triển dân ca ví, dặm nhiều hơn nữa ở 26 nước Châu Âu. Hy vọng sẽ truyền đạt cho thế hệ thứ 2, thứ 3 của chúng ta ở nước ngoài biết đến dân ca Nghệ Tĩnh hay như thế nào!”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu