Đầu năm du xuân - lễ chùa qua ca khúc

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. 

Đối với nhiều người Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh, mang đậm bản sắc dân tộc. Lễ chùa thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, đồng thời là dịp để vun đắp cho tinh thần con người thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn, hướng con người tới giá trị của chân - thiện - mỹ.

Đầu năm du xuân - lễ chùa qua ca khúc - ảnh 1Ảnh minh họa

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Đi lễ đầu năm không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc. Tất cả những điều đó như một gam màu lấp lánh, tạo nên nét đa sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam. Cảm xúc với bài thơ của sư thầy Thích Trường Xuân, nhạc sỹ Bùi Hoàng Uyên Minh đã viết ca khúc “Nguyện ước mùa xuân”. Nhạc sỹ tâm sự: "Mùa xuân là mùa đẹp nhất, cũng là mùa khởi đầu cho những công việc hay tình cảm lứa đôi. Đầu năm đi lễ chùa đã trở thành một nét văn hóa vô cùng đẹp đẽ và tôn nghiêm của nhiều người Việt. Vì thế khi đọc được bài thơ của sư thầy Thích Trường Xuân, tôi đã bắt tay vào viết nhạc và cho ra đời ca khúc “Nguyện ước mùa xuân”. Ca khúc này để chào một mùa xuân mới, mang lại sự tươi vui háo hức trong lòng mỗi người khi đón chào mùa xuân, đồng thời thể hiện niềm mong ước của tác giả về một mùa xuân an lành, hạnh phúc cho mọi nhà và cầu cho quốc thái dân an".

Có thể nói, với nhiều người Việt, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, nhưng tựu chung, khi đến cửa Phật, hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của đất trời. hông gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản. Và những xúc cảm ấy đã được nhà thơ Nguyễn Đăng Độ gửi gắm trong bài thơ “Lễ chùa Quan Âm”, được âm nhạc của nhạc sỹ Cao Tâm chắp cánh để trở thành ca khúc cùng tên, dịu dàng mà tha thiết.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ chia sẻ: "Mỗi khi đi lễ chùa Quan âm lại đem đến cho tôi cảm xúc khó tả. Tôi đã viết bài thơ về chốn thoát tục và nói nhiều đến tình yêu; viết về thế giới vô vi, lại bàn về trần thế; viết về xứ Phật nhưng lại rung động lòng người – đó là cảm hứng khi tôi viết bài thơ “Lễ chùa Quan âm”. Sau khi bài thơ ra đời, có lẽ điểm đồng tâm cùng hướng về cõi Phật và cảm nhận qua bài thơ Lễ chùa Quan âm mà nhạc sỹ Cao Tâm đã phổ nhạc thành bài hát cùng tên, và được ca sỹ Khánh Trâm thể hiện rất thành công".

Và tiếng lòng của nhà thơ cũng đã chạm đến sự đồng cảm của nhạc sỹ Vũ Minh Vương, để rồi một ca khúc khác về mùa xuân, về tục đi lễ chùa đầu năm đã ra đời. Nhạc sỹ Vũ Minh Vương cho biết: "Đầu năm đi vãn cảnh chùa là một bài thơ rất hay của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, nói về mùa xuân. Nhưng điều đặc biệt trong bài thơ này là nhà thơ đã gửi gắm và truyền tải vào đó những hình ảnh, những truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam, mượn hình ảnh đi lễ chùa để nói về phong tục tập quán, để đưa vào đó những truyền thống, giá trị tốt đẹp của đạo nghĩa vợ chồng, của những giá trị văn hóa. Ca khúc này tôi đã phổ thơ rất nhanh vì những ẩn ý, những hình ảnh mà nhà thơ muốn gửi gắm vào trong ca khúc thì tôi đều nắm bắt được. Tôi đã sử dụng một ngôn ngữ âm nhạc rất đặc biệt. Trong đạo Phật thì tiếng mõ là một âm thanh rất trì tục để con người ta được kiên định trên con đường của mình đang đi. Tôi đã sử dụng 1 hợp âm duy nhất từ đầu đến cuối để làm hợp âm đệm cho ca khúc này".

Vào những ngày đầu tiên của năm mới, một sáng tác rất đặc biệt đã được gửi tới công chúng yêu nhạc. Đó là tác phẩm “Làm con Tứ phủ” của thầy Trần (Đồng thầy Trần Quốc Thêm – Tự Tuệ Trần), một đồng thầy nổi tiếng theo và thực hành Đạo Mẫu truyền thống nhiều đời. Là người đi đầu trong việc bảo vệ, giữ gìn nét đẹp và sự linh thiêng của Đạo Mẫu thuần Việt, thầy Trần sáng tác bài dân ca đương đại "Làm con Tứ Phủ" bao gồm 4 loại dân ca trên 4 giang tấu bao gồm: ca trù, ca Huế, Văn Ca và ca tài tử. Tác phẩm độc đáo này đòi hỏi người hát phải có kỹ thuật thanh nhạc vô cùng điêu luyện.

Là người được lựa chọn để thiện bài hát rất thành công, NSND Diệu Hương chia sẻ: "Làm con Tứ phủ là một bài hát rất mới của Diệu Hương. Bài hát mang âm hưởng dân ca của 3 vùng Bắc – Trung – Nam. Tôi rất may mắn được gặp gỡ Thầy Trần – một người rất hiểu về âm nhạc và Đạo Mẫu. Bài hát này yêu cầu rất khó cho ca sỹ khi phải thể hiện được rõ chất của cả 3 vùng miền đó, đồng thời ca sỹ cũng phải lột tả được sự am hiểu cả về nội dung cũng như chất liệu dân ca. Để ra sản phẩm cuối cùng, ê kíp chúng tôi đã thu âm và quay hình trong khoảng thời gian tương đối dài, cũng vài năm. Và vừa rồi dự án này đã hoàn thành, chúng tôi rất hài lòng, và coi đây như một món quà xuân mới để gửi tặng đến công chúng yêu nhạc". 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu