Xã Đại Tâm, tỉnh Sóc Trăng hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, xã Đại Tâm có chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, là một trong những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Sóc Trăng. Đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm ngoái, hiện, xã Đại Tâm đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu cuối năm nay. 

Nghe âm thanh bài tại đây:
Xã Đại Tâm có hơn 20.000 dân với gần 4.700 hộ, trong đó dân tộc Khmer chiếm gần 86%, dân tộc Hoa 1%, còn lại là dân tộc Kinh. Phần lớn người dân xã sinh sống bằng nghề nông, họ trồng lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi.
Xã Đại Tâm, tỉnh Sóc Trăng hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu - ảnh 1Chăn nuôi bò sữa ở trang trại bò sữa ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm. Ảnh: Ngọc Anh

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, từ năm 2016 đến năm 2022, xã Đại Tâm đầu tư gần 187 tỷ đồng (gần 8 triệu USD), trong đó nhân dân đóng góp hơn 46 tỷ đồng (gần 2 triệu USD) để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cuối năm 2022, xã bắt tay ngay vào việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tính đến nay, xã Đại Tâm đạt khoảng 80% nội hàm từng tiêu chí về nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Trương Tấn Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Tâm, cho biết: “Trong tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh Sóc Trăng quy định phải có 4 tiêu chí bắt buộc. Thứ nhất là phải đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, tiêu chí này chúng tôi đạt rồi. Tiêu chí thứ hai là thu nhập bình quân đầu người là 75 triệu đồng (3.160 USD)/người/năm trong khi chúng tôi hiện đã đạt 64,76 triệu đồng/người/năm. Tiêu chí thứ ba là phải có 1 ấp thông minh. Chúng tôi chọn ấp Đại Trí vì đây là ấp cơ bản đạt được 9 tiêu chí ấp thông minh, thí dụ người dân sử dụng Internet 100%, có tài khoản chuyển khoản thanh toán không dùng tiền mặt, có camera trong ấp…. Thứ 4 là phải đạt tiêu chí văn hóa nông thôn mới, quy định phải đạt 100% thôn, ấp trong xã. Xã Đại Tâm có 8 ấp thì chúng tôi đã có 4 ấp văn hóa và đang làm thủ tục để công nhận 4 ấp nữa trong tháng 11, tháng 12 năm nay. Vừa rồi, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã xuống khảo sát và kết quả cho thấy xã Đại Tâm chỉ cần đầu tư thêm chút nữa là cơ bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu.”

Xã Đại Tâm chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ. Điển hình như mô hình trồng rau sạch ở ấp Đại Ân và ấp Đại Nghĩa Thắng đã áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động, giảm thời gian và nhân công lao động, đồng thời tiết kiệm nước. Xã đẩy mạnh sản xuất hoa màu, trồng lúa, đặc biệt xã có 900 ha chuyên để trồng giống lúa ST25 (giống lúa do kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự lai tạo, chọn lọc từ giống lúa thơm đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng, đoạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2019).

Xã Đại Tâm, tỉnh Sóc Trăng hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu - ảnh 2Vườn trồng hành, hẹ của anh Lâm Minh Hà, nông dân xã Đại Tâm. Ảnh: Ngọc Anh

Anh Lâm Minh Hà, nông dân xã Đại Tâm, cho biết: “Nhà tôi có 2 mẫu chuyên trồng giống lúa ST25, cung cấp giống được bao tiêu đầu ra. 1 năm ở đây có 2 vụ lúa, mỗi vụ 1000 m2 lãi khoảng 2,5 triệu đồng (105 USD)/vụ, coi như 1 năm lãi khoảng 5 triệu đồng. Trồng hoa màu, rau thì vất vả hơn trồng lúa. Ở xã Đại Tâm trồng cây hẹ và cây hành là chủ lực. Nhà tôi chủ yếu trồng cây hành và cây hẹ. Tính diện tích 1 công đất thu nhập cỡ khoảng 50 triệu đồng/năm là tính tiền lãi đã trừ chi phí. 1 công là 1000 m2 đất. Nhà tôi thì có 3000 m2. Trồng cây hẹ mất 3 tháng mới thu hoạch, còn trồng cây hành 1,5 tháng thì được thu hoạch.”

Một thế mạnh nữa của xã Đại Tâm là chăn nuôi bò sữa. Anh Diệp Kỉnh Tân, Giám đốc Công ty Tân Tài Lộc, chủ trang trại bò sữa ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, cho biết: “Công ty Tân Tài Lộc đầu tư chăn nuôi bò sữa từ năm 2014 đến năm 2015 bắt đầu hoạt động. Trang trại được Công ty sữa Cô gái Hà Lan hỗ trợ thiết kế xây dựng. Khi chính quyền địa phương đưa các đoàn đi tham quan mô hình hay ghi hình để chia sẻ kinh nghiệm với bà con, chúng tôi sẵn sàng phục vụ. Trang trại chúng tôi cũng hỗ trợ bà con chăn nuôi nhỏ lẻ. Công ty mua giống bò sữa Australia và Mỹ. Trang trại lúc nào cũng dao động trên dưới 200 con bò. Mỗi ngày thu được gần 900 kg sữa bò. Công ty Vinamilk thu mua sữa bò của trang trại. 1 kg sữa bò giá bán là 16.000 đồng. Hiện nay, doanh thu Công ty hơn 300 triệu đồng/tháng, trừ chi phí, lãi khoảng 100 triệu đồng (4.212 USD).”

Để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, xã Đại Tâm có chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Trương Tấn Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Tâm, cho biết: “Trong những năm qua, ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi khoảng 40 tỷ đồng (gần 1,7 triệu USD). Xã tranh thủ các nguồn hỗ trợ của tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xã tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất, mua đất, trồng cỏ nuôi bò. Xã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa, nuôi bò. Xóa đói giảm nghèo cũng nhờ đàn bò sữa. Số hộ nghèo và hộ cận nghèo nay chỉ còn 2,5%.”

Xã Đại Tâm cũng đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng giao thông. Hiện, xã đã có 5,6 km đường nông thôn được bê tông hóa, đạt tỷ lệ khá cao so với các xã khác trên địa bản tỉnh Sóc Trăng. Chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, xã Đại Tâm đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu ngay trong năm nay. Nếu đạt nông thôn mới kiểu mẫu trong năm nay thì xã Đại Tâm sẽ là xã đầu tiên ở huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu