Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989. Đến nay qua 33 năm triển khai, phong trào đã phát triển rộng khắp trong cả nước, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng của giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ đổi mới. Phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút hàng triệu hội viên nông dân tham gia, tạo ra đội ngũ những nông dân chuyên nghiệp. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là hạt nhân nòng cốt, đi đầu trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã đóng góp không nhỏ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội ở nông thôn. Ảnh: laodongthudo.vn |
Trong hơn 30 năm kể từ khi phát động, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã đóng góp không nhỏ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho nông dân. Phong trào cũng là động lực thúc đẩy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, đổi mới, sáng tạo của người nông dân trong việc làm giàu cho gia đình và làm giàu cho quê hương đất nước.
Các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ 4.0 vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao, góp phần phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Cùng với nông dân cả nước, hàng năm các nông dân giỏi đã đóng góp hơn 10.000 tỷ đồng, 3 triệu ngày công lao động, hiến hàng trăm hecta đất để xây dựng nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng ban Thư ký Hội nông dân Việt Nam, cho biết: "Hàng năm, có 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất và kinh doanh giỏi các cấp với nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, cho thu nhập hàng tỷ đồng, số lượng nông dân tỷ phú cũng tăng lên. Những nông dân này đã trở thành lớp nông dân mới, nông dân kinh tế số, nông dân công nghệ, làm đầu tàu dẫn dắt cho nông dân khác vươn lên làm giàu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, đảm bảo chủ quyền biển đảo quốc gia. Đây là kết quả của sự nỗ lực của nông dân với ý chí quyết tâm không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, tự lực tự cường, có hoài bão, khát vọng làm giàu chính đáng."
Trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay, ngành nông nghiệp đang tiếp cận những tư duy mới, ứng dụng những thành tựu mới trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4, người nông dân ngày nay không chỉ dựa vào kinh nghiệm làm nông truyền thống mà còn có thể sử dụng các thiết bị thông minh, các ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật, chuyển đổi số. Thực tế cho thấy những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đều là những người dám nghĩ, dám làm, biết nắm bắt thời cơ, đồng thời vừa có tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, lại vừa có tư duy kinh tế, nhanh nhạy nắm bắt xu thế...
Trước đây, mỗi vụ thu hoạch, họ phải chờ thương lái tới thu mua tận nơi thì ngày nay người nông dân đã chủ động phân loại, bảo quản, chế biến, sơ chế ra nhiều loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chủ động mở rộng tìm kiếm khách hàng ở trong và ngoài nước. Ông Lý Văn Bon, chủ xưởng chế biến các thác lác Bảy Bon, ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, cho biết: "Đầu tiên, tôi chỉ nuôi cá, nhưng do giá cả bấp bênh, thời vụ không phù hợp nên sau đó phát triển thêm con giống, làm thêm cơ sở chế biến để tự cung, tự cấp. Khi đầu ra gặp nhiều khó khăn, tôi kết hợp với làm du lịch."
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: vnexpress.net |
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: "Đã có rất nhiều mô hình người nông dân vừa là người lao động trên lĩnh vực nông nghiệp, vừa là một nhà nghiên cứu về khoa học nông nghiệp và đồng thời biết ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng những công nghệ mới để bán sản phẩm của mình làm ra. Do đó, phải làm sao nâng cao được trình độ hiểu biết, nhận thức và khả năng đáp ứng với yêu cầu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để người nông dân thực sự làm chủ quá trình sản xuất của mình."
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho gia đình, nhiều hộ nông dân điển hình tiên tiến còn tích cực đóng gióp cho xã hội. Theo Hội Nông dân Việt Nam, hàng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động, giúp hơn 200 nghìn hộ nông dân thoát nghèo.
Nghị quyết của Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định: nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó cũng xác định nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Muốn thực hiện được vai trò chủ thể và tương xứng với vị trí trung tâm, người nông hiện nay đang không ngừng nâng cao năng lực qua tri thức hóa, tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới, từ đó khẳng định và thể hiện được bản lĩnh của những nông dân chuyên nghiệp.