Làng gốm Thanh Hà bảo tồn nghề gắn với phát triển du lịch

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) -Làng gốm Thanh Hà ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, là làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử hơn 500 năm. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

Pho sử Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều thời Nhà Nguyễn (1802 - 1945) đã ghi gốm Thanh Hà vào mục thổ sản quốc gia. Ngày nay, làng gốm Thanh Hà vẫn bảo tồn, phát huy nghề truyền thống và là một trong những điểm đến tham quan hấp dẫn du khách mỗi khi tới đô thị cổ Hội An.
Làng gốm Thanh Hà bảo tồn nghề gắn với phát triển du lịch - ảnh 1Làng gốm Thanh Hà nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Anh

Làng gốm Thanh Hà được hình thành từ thế kỷ XVI. Lễ giỗ Tổ làng nghề gốm Thanh Hà tổ chức vào ngày 10 tháng 7 âm lịch hằng năm. Thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII là thời kỳ phát triển rực rỡ của làng gốm Thanh Hà, khi đó các sản phẩm gốm của làng được dùng để tiến Vua. Thợ gốm Thanh Hà xưa kia nức tiếng khéo léo, hào hoa, giao thiệp rộng rãi. Hình tượng người thợ gốm, nghề làm gốm làng Thanh Hà đã đi vào dân ca, hò vè, thơ.

Nghệ nhân Nguyễn Lành, 92 tuổi, ở làng gốm Thanh Hà, cho biết: "Nhà tôi tới đời tôi làm gốm là đời thứ 7 rồi. Gốm Thanh Hà khác với các loại gốm khác, không có men, có thuốc màu. Gốm màu sành, hoặc là màu đỏ. Đó là đặc trưng nhất của gốm Thanh Hà."

Làng gốm Thanh Hà bảo tồn nghề gắn với phát triển du lịch - ảnh 2Thợ làm gốm trình diễn nghề. Ảnh: Ngọc Anh

Nếu sản phẩm gốm của Thổ Hà (tỉnh Bắc Giang) từ đất sét xanh, Bát Tràng (thành phố Hà Nội) từ sét trắng, Phù Lãng (tỉnh Bắc Ninh) từ sét vàng nâu thì gốm Thanh Hà (thành phố Hội An) được lấy từ đất sét nâu ở sông Thu Bồn có độ dẻo và kết dính cao. Đất lấy về, người thợ phải trộn, xéo, nề, ủ đất cho đến khi đất nhuyễn mịn như bột bánh mới nặn được.

Chị Nguyễn Thị Thủy, người dân làng gốm Thanh Hà, cho biết: "Quy trình làm công phu bởi vì là gốm thô, làm hoàn toàn bằng tay. Băm nhỏ đất ra cho nước vào, nhồi cho nhuyễn, khi đất nhuyễn rồi đem đất lên cho người làm gốm. Khi đem lên rồi cũng phải dùng chân đạp qua đạp lại nhiều lần nữa cho đất thật nhuyễn thì mới làm được. Đất khô thì mới nung được, nếu không đất sẽ nổ, nung thời gian trong 24 tiếng, tức là 1 ngày 1 đêm, nhiệt độ chừng 1.000 độ C thì sẽ ra sản phẩm thành phẩm. Gốm Thanh Hà là gốm thô, màu đỏ. Đất phơi cho khô chuyển sang màu trắng mới đưa vào nung còn khi nung xong là màu đỏ. Khi sản phẩm nung rồi, lấy tay gõ vào sản phẩm thì tiếng kêu rất vang. Đó là nét đặc sắc của gốm Thanh Hà."

Làng gốm Thanh Hà bảo tồn nghề gắn với phát triển du lịch - ảnh 3Sản phẩm gốm làng Thanh Hà. Ảnh: Ngọc Anh

Sản phẩm chủ yếu của người thợ Thanh Hà là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày, như: chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con vật... mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú và đặc biệt, nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác. Thường thì các làng gốm hiện nay làm bằng máy móc, hoặc bán thủ công, nhưng làng Thanh Hà vẫn giữ được cách làm gốm thủ công hoàn toàn.

Chị Phạm Thị Mỹ Dung, chủ cơ sở gốm Sơn Thủy, làng gốm Thanh Hà, cho biết: "Gốm thủ công nên 1 ngày làm số lượng không nhiều, vì mất công, tỷ mỉ. Do sản phẩm thủ công nên độc đáo, không có cái nào giống cái nào. Gia đình 6 đời làm nghề rồi, yêu thích nghề lắm, mình đam mê, thả hồn vào đất, sáng tạo thêm sản phẩm, tráng men nữa. Gốm Thanh Hà độc đáo ở nước men tự làm và gốm làm thủ công."

Kể từ khi Phố cổ Hội An được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa Thế giới tháng 12 năm 1999, nghề làm gốm ở làng Thanh Hà trỗi dậy, phát triển mạnh mẽ nhờ vào du lịch. Các thợ gốm Thanh Hà cũng luôn sáng tạo cho sản phẩm thêm phong phú, làm quà lưu niệm cho du khách.

Làng gốm Thanh Hà bảo tồn nghề gắn với phát triển du lịch - ảnh 4Du khách nước ngoài trải nghiệm làm gốm. Ảnh: Ngọc Anh

Chị Trần Thị Tuyết Nhung, người dân làng gốm Thanh Hà, cho biết: "Các sản phẩm tùy theo nhu cầu của khách hàng, làm đa dạng các mặt hàng để đáp ứng nhu cầu của khách. Đối với khách hàng người nước ngoài, họ ưa thích các sản phẩm gốm nhỏ có tráng men. Thường thì bán chạy nhất là các bình hoa mini để bàn. Người ta thường để ở bàn làm việc hoặc các bàn trang trí và người ta tiện mang đi nữa. Ngoài bình hoa, ly trà bán cũng chạy. Sản phẩm làm ra thủ công, độc bản, mỗi cái có một thôi, chỉ gần giống nhau thôi, chứ không cái nào giống nhau hoàn toàn."

Nhiều gia đình trong làng mở cửa cho khách tới tham quan, kể chuyện về nghề làm gốm, lịch sử ngôi làng. Không chỉ được ngắm nhìn quy trình làm gốm truyền thống, du khách còn có thể trải nghiệm làm gốm, tự tay nhào nặn ra các sản phẩm gốm cho riêng mình.

Tới làng gốm Thanh Hà, chị Rhea Müller, du khách Thụy Sĩ, bày tỏ: "Tôi đi du lịch đến đây thấy ngôi làng rất đẹp, cổ kính, truyền thống văn hóa đặc sắc ở vùng đất này. Sản phẩm gốm sứ rất đẹp."

Ngôi làng nhỏ Thanh Hà bên bờ sông Thu Bồn đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử. Có những thời kỳ tưởng chừng như nghề gốm nơi đây bị lãng quên, nhưng giờ đây phát triển mạnh mẽ. Nghề làm gốm làng Thanh Hà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” năm 2019.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu