Hợp tác xã 3T Farm, mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (Hợp tác xã 3T Farm), là mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. 

Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh cây ăn quả có múi là cam, quýt, theo hướng hữu cơ. Cam của Hợp tác xã 3T Farm đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm).

Nghe âm thanh bài tại đây:
 
Hợp tác xã 3T Farm do chị Vũ Thị Lệ Thủy thành lập cách đây 6 năm (tháng 8/2018) với 7 thành viên. Đến nay, 3T Farm có 15 thành viên. Năm ngoái, Hợp tác xã 3T Farm là 1 trong 35 trường hợp đoạt giải tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Hợp tác xã 3T Farm, mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình - ảnh 1Vườn cam của một thành viên Hợp tác xã 3T Farm. Ảnh: Ngọc Anh

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi có 21 ha diện tích đất canh tác cam. 100% diện tích của chúng tôi đã được công nhận theo tiêu chuẩn VietGap (Sản phẩm được gắn nhãn mác nông nghiệp sạch). Sản lượng cam hằng năm của Hợp tác xã khoảng 350 tấn. Thị trường của chúng tôi là các cửa hàng thực phẩm sạch từ thành phố Đà Nẵng trở ra Bắc. Cam tươi của chúng tôi đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020.

Cam Cao Phong có điểm khác biệt do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây ăn quả có múi, nhất là cây cam. Thời tiết ở đây thường thấp hơn các vùng khác từ 2 đến 4 độ C. Điều đó làm chất lượng quả cam khác biệt hơn so với các vùng khác, hương thơm hơn và vị đậm hơn.”

Hợp tác xã 3T Farm, mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình - ảnh 2Chị Vũ Thị Lệ ThủyGiám đốc Hợp tác xã 3T Farm. Ảnh: Ngọc Anh

Huyện Cao Phong xác định cây ăn quả có múi là một trong những loại nông sản chủ lực của địa phương. Hiện, huyện Cao Phong trồng khoảng 10 loại cam, quýt các loại, như: quýt Hà Giang, quýt Ôn Châu, cam CS1, cam Marss, cam lòng vàng, cam V2, cam lùn, cam xã Đoài… trong đó cam lòng vàng, cam canh, cam V2 được ưa chuộng hơn cả, tiêu thụ trên thị trường nhiều nhất.

Sản phẩm cam tươi của Hợp tác xã 3T Farm sau khi thu hoạch được đưa về xưởng, phân loại bằng dây chuyền sơ chế, bao gồm: sục rửa ozone, làm sạch và sấy khô trước khi đóng gói. 100% sản phẩm tiêu thụ ra thị trường đều có truy xuất nguồn gốc, các thông tin đầy đủ. Anh Lương Văn Thảo, người làm ở Hợp tác xã 3T Farm, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất cam sạch, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Diện tích gia đình trồng cam hơn 1 ha, gần 1000 cây cam. 1 ha cam thu được từ 18 đến 20 tấn cam. Hợp tác xã 3T Farm bao tiêu sản phẩm cho các hộ thành viên trong Hợp tác xã để đảm bảo ổn định giá đầu ra. Hợp tác xã cũng hỗ trợ nguồn vốn về phân bón. Vì vậy, bà con chúng tôi giảm bớt khâu đầu tư.”

Hợp tác xã 3T Farm, mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình - ảnh 3Cam của Hợp tác xã 3T Farm. Ảnh: Ngọc Anh

Ngoài cam tươi, Hợp tác xã 3T Farm còn có các sản phẩm chế biến từ cam, như: mứt cam, bột cam nguyên chất, trà hoa cúc, trà hoa đu đủ đực, trà hoa đậu biếc… Hợp tác xã 3T Fram tiên phong áp dụng nhật ký điện tử vào sản xuất và được các thành viên trong Hợp tác xã đồng tình ủng hộ. Các thành viên trong Hợp tác xã 3T Farm thực hiện phương châm của 3T Farm “Vườn cam 3 tốt: tốt giống, tốt đất và tốt từ tâm”.

Bà Mai Thị Hạnh, thành viên ở Hợp tác xã 3T Farm, cho biết: “Vườn nhà tôi 2 ha. Vườn có 6 loại, quýt Ôn Châu, cam lòng vàng, cam lùn, cam xã Đoài, cam canh, cam V2 (cam không có hạt rất ngon). Thông dụng nhất là 3 loại cam: cam lòng vàng, cam canh và cam V2. Cam canh bán 50000 đồng/kg. Mỗi năm vườn nhà tôi thu hoạch khoảng 400 triệu đồng (gần 16.500 USD), trong đó tiền đầu tư, tiền công hết khoảng 150 triệu đồng (gần 6.200 USD).”

Nhờ tham gia Hợp tác xã 3T Fram, các thành viên Hợp tác xã đều có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình ngày càng đi lên. Không những cải thiện kinh tế cho bản thân gia đình mình, các thành viên Hợp tác xã 3T Fram còn hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho các lao động ở địa phương.

Chị Nguyễn Thị Lan, dân tộc Mường, thành viên của Hợp tác xã 3T Farm, cho biết: “Gia đình tôi tham gia vào Hợp tác xã 3T Fram ngay từ khi hợp tác xã bắt đầu thành lập. Chúng tôi được Hợp tác xã cử đi tập huấn, được các kỹ sư nông nghiệp huyện xuống tham quan vườn và trao đổi với mình những kinh nghiệm trồng cam. Từ khi trồng cam, tham gia Hợp tác xã, đã giải quyết cho gia đình tôi rất nhiều vấn đề về kinh tế. Kinh tế gia đình tốt hơn nên gia đình đã tuyển lao động là người địa phương thu hoạch cùng chúng tôi, để bà con không phải đi làm ăn xa. Nhà tôi có xưởng sơ chế cam, hiện tại thuê 3 nhân công. Thời điểm mùa thu hoạch cam có hơn 20 nhân công.”

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, hiện nay, ngoài mạng xã hội, Hợp tác xã 3T Farm còn phối hợp với Bưu điện huyện Cao Phong đưa cam và sản phẩm chế biến từ cam lên sàn thương mại điện tử Postmart. Hiện nay, sản phẩm cam của Hợp tác xã 3T Fram đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, như: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu