Gìn giữ và phát huy nghề dệt Zèng truyền thống ở A Lưới

Kim Thu - Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Dệt Zèng (dệt thổ cẩm) là nghề truyền thống từ lâu đời, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Tà Ôi, ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Mỗi sản phẩm dệt Zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi. Cùng với sự biến chuyển của thời gian và xã hội, nghề dệt Zèng vẫn được bà con Tà Ôi gìn giữ, không ngừng sáng tạo, quảng bá tới thị trường trong nước và nước ngoài.

Gìn giữ và phát huy nghề dệt Zèng truyền thống ở A Lưới - ảnh 1Phụ nữ Tà Ôi với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. 

Để giữ gìn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống của cha ông, từ năm 2012 đến nay, tại A Lưới, đã có nhiều hợp tác xã thổ cẩm được hình thành, tạo ra mô hình sản xuất gắn với thương mại tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống của người dân.

Hợp tác xã là đầu mối nhận các đơn đặt hàng của các nhà thiết kế thời trang, chịu trách nhiệm thiết kế mẫu theo yêu cầu của khách hàng, hướng dẫn thành viên sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm và giao cho đối tác. Các phụ nữ người Tà Ôi có hoàn cảnh khó khăn được ưu tiên tham gia hợp tác xã.

Nghề dệt Zèng vô cùng độc đáo, sản phẩm tinh xảo với hoa văn đẹp mắt thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi. Xưa kia, vải thổ cẩm của người Tà Ôi chỉ có 2 màu sắc đen và đỏ, trong đó, đen tượng trưng cho nước, đỏ tượng trưng cho lửa. Sau này, người dân sáng tạo, pha chế ra nhiều màu sắc như trắng, vàng, hồng, xanh lá để tạo nên những tấm vải đa dạng màu sắc. Với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của các chị em, nhiều mẫu mã sản phẩm độc đáo được giới thiệu ra thì trường như: cà vạt, túi xách, áo nam, áo nữ, áo dài thổ cẩm, áo dài cách tân, mũ, giày dép…

Gìn giữ và phát huy nghề dệt Zèng truyền thống ở A Lưới - ảnh 2Sưa sưa bên khung dệt, ngoài các hoa văn truyền thống, nhiều phụ nữ Tà Ôi còn tìm tòi những họa tiết hiện đại để tạo ra những sản phẩm đệt độc đáo. 

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, nhiều người còn chịu khó lên mạng, tìm tòi học cách làm các họa tiết hiện đại, kết hợp cùng hoa văn truyền thống để tạo ra những sản phẩm dệt độc đáo. Sản phẩm dệt Zèng A Lưới được tiêu thụ mạnh do chất lượng tốt và có tính sáng tạo rất cao.

Chị Lê Thị Lý, ở thị trấn A Lưới, chia sẻ: "Những sản phẩm như cà vạt, dép, hoa cài… là mình tham khảo trên mạng Internet để đưa vào. Họa tiết hoa văn khác hơn xưa, vì mình hướng về mẫu mã mới hơn rất nhiều, nhưng mà cái truyền thống vẫn giữ nguyên. Rất nhiều bạn trẻ muốn tham gia học dệt. Như em sau khi học xong cũng muốn lựa chọn theo đuổi nghề dệt Zèng."

Trước đây, sản phẩm dệt Zèng hầu như chỉ được đồng bào địa phương và bà con ở khu vực miền Trung biết đến, thì nay, ngày càng có nhiều du khách nước ngoài tìm đến A Lưới để được tận mắt nhìn thấy những công đoạn dệt Zèng và mua sản phẩm Zèng. Sản phẩm dệt Zèng A Lưới cũng đã bước đầu xuất khẩu ra nước ngoài theo các đơn đặt hàng, hay xuất hiện ở những sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế, từng bước nâng tầm vị thế nghề dệt Zèng A Lưới.

Gìn giữ và phát huy nghề dệt Zèng truyền thống ở A Lưới - ảnh 3Sản phẩm dệt zèng được nhiều du khách quan tâm 

Bà Minh Hạnh, nhà thiết kế thời trang Việt Nam nổi tiếng với nhiều show diễn thời trang quốc tế, đã phát hiện sản phẩm Zèng chính là một chất liệu quý để sáng tạo các sản phẩm thời trang cao cấp, do đó, trong các đợt tham gia lưu diễn ở nước ngoài, bà đều tranh thủ giới thiệu sản phẩm Zèng ra thế giới. Trong nhiều sự kiện thời trang, những trang phục dệt Zèng còn được chính những người phụ nữ Tà Ôi khoác lên, mang đến cho công chúng những ấn tượng đặc biệt về một sản phẩm truyền thống độc đáo.

Bởi vậy, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh vẫn luôn ấp ủ những ý tưởng mới để giới thiệu rộng rãi sản phẩm dệt Zèng: "Khi chúng ta muốn phát triển một ngành dệt truyền thống thì chúng ta cần có những chính sách. Và chúng tôi, những nhà thiết kế chỉ làm được một công việc duy nhất đó chính là khơi dậy, kích hoạt và xoa dịu những sự trăn trở của nghề dệt truyền thống hiện nay. Đối với zèng, cụ thể là Zèng A Lưới, bây giờ người ta đã biết Zèng là gì. Nhưng để sử dụng Zèng như thế nào chúng ta cần có thời gian."

Với chủ trương khôi phục và phát huy các làng nghề truyền thống, trong đó, dệt Zèng A Lưới là một trong những nghề truyền thống đặc sắc được chính quyền địa phương quan tâm. Tại các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, các sản phẩm dệt Zèng đã được trưng bày và giới thiệu tới đông đảo du khách. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: "Dệt Zèng là nghề truyền thống của đồng bào Tà Ôi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Thời gian qua, huyện có nhiều chính sách. Đó là tổ chức các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ; thành lập các hợp tác xã, các tổ hợp tác để liên kết để sản xuất ra vải Zèng; tìm kiếm thị trường để tạo đầu ra  sản phẩm; huyện đã tổ chức các cuộc thi thiết kế tạo sản phẩm Zèng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng."

Mỗi sản phẩm dệt Zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, phục vụ cuộc sống, vừa là của cải, thể hiện sự ấm no, giàu có và hơn thế nữa, nó là những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi. Với sự khéo léo và sáng tạo của người phụ nữ Tà Ôi, nghề dệt Zèng sẽ tiếp tục phát triển và các sản phẩm Zèng ngày càng được nhiều ngưởi biết đến.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu