Đưa khoa học, công nghệ về làng ở tỉnh Kon Tum

Khoa Điềm
Chia sẻ
(VOV5) - Những tỷ phú chăn nuôi, trồng dược liệu, cà phê xứ lạnh…ở các huyện vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, như Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, xuất hiện ngày càng nhiều.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tại nhiều thôn, làng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang ghi nhận sự thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp khi bà con dân tộc thiểu số áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông sản của địa phương.

Hợp tác xã (HTX) Rau, hoa và Du lịch thanh niên ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, được thành lập năm 2012. Đến nay, HTX có 2 cơ sở sản xuất rau an toàn theo phương pháp hữu cơ, có hệ thống tưới nước tự động để sản xuất các loại rau, củ, quả, như: cà chua, cà rốt, ớt chuông, su su, xà lách, rau cải... Mỗi tháng, HTX sản xuất trên 10 tấn sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp ra thị trường.

Không chỉ ở Kon Plông, người dân ở các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei… đã tự ươm được cây cà phê xứ lạnh, biết nhân giống sâm dây, ươm hạt sâm Ngọc Linh để phát triển diện tích của gia đình.

Đưa khoa học, công nghệ về làng ở tỉnh Kon Tum - ảnh 1Anh A Sỹ lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho cây trồng. Ảnh: VOV

Tranh thủ những ngày nghỉ cuối năm, anh A Sỹ, ở thôn Wang Hra, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và tiết kiệm cho vườn cây của gia đình, chuẩn bị cho những tháng mùa khô khốc liệt. Anh A Sỹ cho biết: "Mình hay làm công, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và tiết kiệm cho mọi người. Làm mãi rồi quen luôn. Học hỏi được thấy tốt, thấy lợi mình cũng muốn làm cho vườn cây của mình. Lắp đặt được hệ thống tưới này thì cây nhà mình không sợ mùa khô rồi."

Việc tham gia các lớp đào tạo nghề, các khóa học chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp làm việc tại các Hợp tác xã, đơn vị sản xuất kinh doanh là con đường ngắn nhất để người lao động dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum tiếp thu và đưa khoa học, công nghệ về làng.

Tại tỉnh Kon Tum đã hình thành mô hình chăn nuôi lợn sạch bền vững với 17 thành viên người Gia Rai và dân tộc Thái ở xã Ya Xier, huyện Sa Thầy. Ngoài ra còn có mô hình phát triển dược liệu ở xã Tê Xăng, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông…

Anh A Tạo, dân tộc Xơ Đăng, có công việc chính là quản lý sản xuất của Hợp tác xã thảo dược Tu Mơ Rông, cho biết: "Một tuần một lần, tất cả thành viên Hợp tác xã đều họp online. Thành viên mỗi người một nơi nên họp Online cũng dễ dàng hơn, tiện lợi hơn. Trưởng nhóm triển khai công việc tuần này mình làm gì. Mục đích là duy trì sự liên kết của thành viên trong nhóm để tương tác công việc."

Năm 2022, tỉnh Kon Tum có 48 Hợp tác xã được thành lập mới, nâng tổng số Hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh lên con số 232. Đáng mừng hơn nữa là trong các Hợp tác xã này, số thành viên là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 17%. Những lao động này đã tham gia tích cực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Hợp tác xã và góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm để hình thành nên 157 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao của tỉnh Kon Tum.

Đưa khoa học, công nghệ về làng ở tỉnh Kon Tum - ảnh 2Lao động người dân tộc thiểu số tại vườn ươm giống cây dược liệu ở xã Măng Cành, huyện Kon Plông. Ảnh: VOV

Ông Bùi Duy Trung, Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum, cho biết: "Bà con đã có sự thay đổi, tức là muốn thoát nghèo, bản thân phải chủ động vươn lên, không ỷ lại. Bà con cũng đã có tư duy chuyển đổi cách làm, sản xuất từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Bà con ngày càng nhiều tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khuyến nông, khuyến lâm, qua đó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vào chăn nuôi."

Kết quả của việc nắm bắt khoa học kỹ thuật, áp dụng trong lao động sản xuất đã giúp cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số nhiều thôn làng ở tỉnh Kon Tum được cải thiện. Những tỷ phú chăn nuôi, trồng dược liệu, cà phê xứ lạnh…ở các huyện vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, như Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, xuất hiện ngày càng nhiều.
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở những huyện này cũng giảm từ 8% trở lên, cao gấp đôi so với mục tiêu giảm nghèo mà tỉnh Kon Tum đề ra. Những thành quả đạt được trong năm 2022 là động lực để đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum tiếp tục nhân rộng các mô hình áp dụng khoa học, công nghệ, tạo những đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu