Nông nghiệp bền vững là một trong những trụ cột của Chiến lược Phát triển Kinh tế - xã hội của Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Hệ thống lương thực của Việt Nam đang hướng tới cách tiếp cận đa ngành và đa mục tiêu.

Chiều 5/7, tại phiên họp toàn thể của kỳ họp lần thứ 43 Hội nghị cấp Bộ trưởng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ở thủ đô Rome, Italy, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng, Đại diện thường trực của Việt Nam tại FAO, kiêm Trưởng đoàn Việt Nam tại kỳ họp năm nay, có bài phát biểu quan trọng, nêu những đề xuất của Việt Nam nhằm thực hiện chương trình Chuyển đổi Hệ thống Lương thực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Nông nghiệp bền vững là một trong những trụ cột của Chiến lược Phát triển Kinh tế - xã hội của Việt Nam - ảnh 1Đại sứ Dương Hải Hưng phát biểu tại phiên họp toàn thể của FAO. Ảnh: Dương Hoa/TTXVN

Đại sứ Dương Hải Hưng đề xuất một số ưu tiên để FAO và các đối tác quốc tế xem xét, hỗ trợ các quốc gia thành viên. Thứ nhất, hỗ trợ các nước thực hiện Khung chương trình quốc gia và chuyển đổi hệ thống nông nghiệp - lương thực theo hướng thích ứng, toàn diện và bền vững. Việt Nam mong muốn hợp tác với tất cả các bên liên quan để thúc đẩy thương mại nông sản làm cơ sở nền tảng cho an ninh lương thực khu vực và toàn cầu.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh và kỹ thuật số việc hỗ trợ tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển là rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sang các hệ thống lương thực đa giá trị hơn, bền vững hơn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ ba, thúc đẩy sự phối hợp và chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nước, bao gồm tài nguyên nước xuyên biên giới, tài nguyên biển và hợp tác Nam - Nam.

Nông nghiệp bền vững là một trong những trụ cột của Chiến lược Phát triển Kinh tế - xã hội của Việt Nam - ảnh 2Quang cảnh phiên họp toàn thể của FAO chiều 5/7. Ảnh: Dương Hoa/TTXVN

Về những nỗ lực của Việt Nam, Đại sứ Dương Hải Hưng nêu rõ nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực là một trong những trụ cột của Chiến lược Phát triển Kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, ít phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với cải thiện sinh kế cho người dân ở nông thôn.  

Hệ thống lương thực của Việt Nam đang hướng tới cách tiếp cận đa ngành và đa mục tiêu, bao gồm: tiếp tục chuyển đổi thành một nhà cung cấp lương thực minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu; thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học; cung cấp sinh kế bền vững đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, nhất là cho những người nghèo và dễ bị tổn thương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu