Việt Nam thúc đẩy hợp tác ASEAN với các quốc gia vùng Vịnh

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyến đi khẳng định cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, thúc đẩy hợp tác giữa hai khối.

Hôm nay (18/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)- Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), tại Riyadh, Saudi Arab và thăm Vương quốc Saudi Arabia.
Chuyến đi khẳng định cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, thúc đẩy hợp tác giữa hai khối, đồng thời, góp phần tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước vùng Vịnh.

Việt Nam thúc đẩy hợp tác ASEAN với các quốc gia vùng Vịnh - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội nghị cấp cao ASEAN – GCC diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những chuyển động nhanh chóng, phức tạp. Đối thoại và hợp tác trở thành nhu cầu cấp thiết của các nước, nhất là những nước vừa và nhỏ. ASEAN chủ trương vừa làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước lớn, vừa mở rộng quan hệ với các nước, tổ chức khu vực trên thế giới, nhằm tranh thủ nguồn lực xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững và xây dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác.

Trong bối cảnh đó, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, vừa cùng các nước ASEAN thể hiện tâm thế mới, độc lập, đoàn kết, phát triển, vừa củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước vùng Vịnh.

Vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác ASEAN-GCC

Với dân số gần 700 triệu người ở các nước ASEAN và 60 triệu người ở khu vực vùng Vịnh, tập hợp nhiều nền kinh tế mới nổi, ASEAN, GCC đã và đang là những tổ chức khu vực phát triển năng động và đầy triển vọng, đồng thời cũng là những tâm điểm tăng trưởng của thế giới.

Cũng có nét tương đồng như ASEAN, Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman. GCC được thành lập tháng 5/1981, có trụ sở chính tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Các nước GCC cơ bản thực hiện đường lối đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách Hướng Đông, quan tâm đến hợp tác với Đông Nam Á.

Việt Nam thúc đẩy hợp tác ASEAN với các quốc gia vùng Vịnh - ảnh 2ASEAN-GCC đẩy mạnh hợp tác. Nguồn: Manila Bulletin

Cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa GCC và ASEAN diễn ra vào năm 1990 khi Oman, lúc đó là chủ tịch GCC, bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN. Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN-GCC đầu tiên được tổ chức vào năm 2009 tại Bahrain. Kể từ đó, ngoại trưởng hai bên đã gặp nhau thường niên bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Và Hội nghị lần này là Hội nghị cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và GCC. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, đáp ứng nhu cầu của cả hai bên. Hội nghị nhằm nâng cao quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai khối, đặc biệt, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trao đổi về công nghệ carbon thấp, hợp tác tài chính ngân hàng…

Là thành viên nòng cốt của ASEAN, Việt Nam luôn phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đóng góp hiệu quả vào tăng cường quan hệ giữa ASEAN và GCC, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - GCC và quan hệ song phương giữa Việt Nam và từng nước thành viên GCC. Năm 2018, Việt Nam đã đảm nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN - GCC, thúc đẩy tổ chức và cùng Kuwait, nước Chủ tịch GCC năm 2018, đồng chủ trì thành công Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN –GCC tại New York, Mỹ vào tháng 9/2018 bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73.

Nâng tầm quan hệ song phương giữa Việt Nam với GCC

Với Việt Nam, tất cả 6 nước thành viên GCC đều là đối tác hợp tác ưu tiên. Quan hệ trải rộng trong nhiều lĩnh vực, gồm: chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, lao động…Việt Nam và 4 nước GCC (Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, UAE) đã mở Đại sứ quán của nhau. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực đạt 12,5 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của các nước GCC vào Việt Nam hiện đạt khoảng 1 tỷ USD. Hiện có khoảng 11.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước GCC. Việt Nam đang triển khai đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE.

Việt Nam thúc đẩy hợp tác ASEAN với các quốc gia vùng Vịnh - ảnh 3Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal Bin Farhan Al Saud. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đặc biệt, với Saudi Arabia, quốc gia vùng Vịnh mà Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhân dịp này, quan hệ song phương đang phát triển hết sức tốt đẹp. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế. Trao đổi thương mại song phương năm ngoái đạt trên 2,7 tỷ USD, tăng hơn 32% so với năm 2021. Về hợp tác đầu tư và hỗ trợ phát triển, nhiều tập đoàn, công ty lớn của Saudi Arabia đang thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam, như: Tập đoàn Zamil Steel, Tập đoàn Sabic thành lập Công ty TNHH Sabic Việt Nam. Ngoài ra, Quỹ Phát triển Saudi Arabia đã và đang cấp vốn vay ưu đãi cho 13 dự án với tổng trị giá hơn 181 triệu USD. Việt Nam hiện có khoảng 4.000 - 5.000 lao động làm việc tại Saudi Arabia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-GCC và thăm Vương quốc Saudi Arabia là sự kiện đối ngoại nổi bật của Việt Nam trong năm nay. Chuyến công tác nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; phát đi thông điệp về cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn sàng tăng cường quan hệ hữu nghị, đối thoại và hợp tác cùng có lợi, xây dựng môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định với các nước. Chuyến công tác cũng đồng thời tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Saudi Arabia, mở ra nhiều khía cạnh hợp tác mới trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu