Việt Nam cam kết nghĩa vụ quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu.

Tuần qua, tại trụ sở Liên hợp quốc, Việt Nam cùng quốc đảo Vanuatu đồng tổ chức Phiên họp trù bị trực tuyến về thủ tục xin ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế (JCJ) về nghĩa vụ quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Phiên họp, cùng với những nỗ lực và kết quả đạt được của Việt Nam thời gian qua, tái khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, một thách thức chung của nhân loại đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận trong một Nghị quyết năm 2023.

Phiên họp, có sự tham gia của các chuyên gia pháp lý, học giả và luật sư quốc tế từ hơn 20 nước Châu Á - Thái Bình Dương, đại diện Phái đoàn các nước tại Liên hợp quốc, các cơ quan liên quan của Việt Nam, thể hiện cam kết của Việt Nam, với tư cách là một quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu.

Việt Nam cam kết nghĩa vụ quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu - ảnh 1Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ.
Ảnh tư liệu: TTXVN

Góp tiếng nói mạnh mẽ giải quyết thách thức chung

Năm 2023, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết, công nhận biến đổi khí hậu là thách thức chung, vì vậy, trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu phải được san sẻ công bằng, bình đẳng. Việc Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, tích cực tham gia vào quá trình Tòa án Công lý quốc tế xem xét và cho ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu, có ý nghĩa quan trọng, tác động tới nhận thức của các nước về trách nhiệm pháp lý của mỗi quốc gia trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp từng bước định hình khung pháp lý về biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Là một trong những quốc gia đi đầu trong tổ chức Phiên họp trù bị trực tuyến về thủ tục xin ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế (JCJ) về nghĩa vụ quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam thể hiện trách nhiệm của một quốc gia thành viên luôn tuân theo luật pháp quốc tế nói chung và các công ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu nói riêng, như: Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thoả thuận Paris, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982…. Trên cơ sở đó, Việt Nam đóng góp tiếng nói chung của các quốc gia đang phát triển, cùng Đại hội đồng Liên hợp quốc và JCJ xác định trách nhiệm pháp lý của các quốc gia đã gây ra phát thải lớn, dẫn tới những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với thế hệ hiện tại và tương lai.

Nỗ lực hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Điều này không chỉ xuất phát từ thực tế Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, mà còn là một quốc gia thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các cam kết quốc tế, tiên phong trong các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này đã nhiều lần được lãnh đạo chính phủ, các bộ ngành Việt Nam khẳng định, như lời của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Minh Ngân và ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi Khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam:

Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực trong Cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia và các đối tác chia sẻ tri thức khoa học, kinh nghiệm, nguồn lực và các sáng kiến quản lý tổng hợp vì một nền kinh tế xanh bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, bảo vệ môi trường không chỉ cho phát triển kinh tế hiện nay mà giúp phát triển kinh tế bền vững trong tương lai, giải quyết biến đổi khí hậu.

Năm 2021, lần đầu tiên, Việt Nam đưa ra cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng "0". Từ đó đến nay, cam kết này của Việt Nam luôn được triển khai bằng hành động trên thực tế. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam, do trực tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng ban. Các bộ, ngành đều xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết. Theo ông Trương Đức Trí, Nguyên Giám đốc dự án Hợp tác về biến đổi khí hậu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, ngoài sự nỗ lực của chính phủ, các bộ ngành, địa phương vận động tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là xã hội hóa công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Hệ thống doanh nghiệp, cộng đồng cùng vào cuộc để cùng với chính phủ để ứng phó hiệu quả với những tác động của biến đổi khí hậu vào Việt Nam.

Bên cạnh tập trung nguồn lực, hành động trong nước, Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Năm 2023, Việt Nam đã cùng các đối tác quốc tế thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với mục tiêu, hành động để thực hiện chuyển đổi xanh, thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết.

Đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam trong Tuyên bố này, Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak nêu rõ: "Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi năng động ở trung tâm Đông Nam Á. Vì vậy, vai trò của Việt Nam có yếu tố quyết định. Khi nhận ra tầm quan trọng và cơ hội chuyển dịch hướng đến phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong mở đường cho các quốc gia khác học hỏi theo. Chương trình quan hệ đối tác mà chúng ta công bố sẽ đẩy nhanh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam."

Trên cơ sở những cam kết và hành động của Việt Nam thời gian qua, việc tổ chức Phiên họp trù bị trực tuyến về thủ tục xin ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế (JCJ) về nghĩa vụ quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam tiếp tục khẳng định nỗ lực của một quốc gia thành viên đóng góp giải quyết các thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu