Vai trò của phụ nữ trên thế giới

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Không chỉ có vai trò to lớn trong lĩnh vực kinh tế, nữ giới cũng ngày càng quan trọng hơn trong việc tham gia vào các tiến trình chính trị, ở quy mô quốc gia và thế giới.

Hôm nay là Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Kể từ khi chính thức được Liên hiệp quốc (LHQ) công nhận cách đây 49 năm (1975), vai trò quan trọng của nữ giới được khẳng định trong tất cả các lĩnh vực chính trị-kinh tế-xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, nữ giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về việc thu hẹp khoảng cách giới.

Vai trò của phụ nữ trên thế giới - ảnh 1Nữ giới đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong mọi mặt đời sống tại các quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa: Future Worlds

Được kỷ niệm từ những năm đầu của thế kỷ 20 và chính thức được LHQ công nhận vào năm 1975, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là dịp để thế giới ghi nhận các đóng góp to lớn của nữ giới và tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực bình đẳng giới.

Đóng góp quan trọng của nữ giới

Nữ giới đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong mọi mặt đời sống tại các quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo phân tích năm ngoái của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, tỷ lệ nữ giới nắm giữ các vị trí quản lý trung cấp và cao cấp trên phạm vi toàn cầu là khoảng 23%. Trong một số lĩnh vực, như: y tế, công tác xã hội, giáo dục, tỷ lệ này ở mức từ 61% đến 67%. Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, tỷ lệ nữ giới cũng đang tiệm cận nam giới (45%). Báo cáo của Moody’s cũng cho thấy tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, tỷ lệ nữ giới lãnh đạo gia tăng trong 10 năm qua, hiện dao động ở mức 40%. Các nền kinh tế lớn tại châu Âu (Đức, Pháp, Anh) cũng có tỷ lệ tương tự, từ 35-40%. Ngay cả tại Nhật Bản, nơi nam giới vốn có vị thế áp đảo trong các công ty, tỷ lệ nữ giới lãnh đạo cũng được cải thiện, từ mức 10,4% năm 2010 lên 14,4% năm 2019.

Tuy nhiên, báo cáo của Moody’s cũng chỉ rõ các tiến bộ trong việc thu hẹp khoảng cách giới chưa tương xứng với tiềm năng đóng góp của nữ giới. Dựa trên các tính toán năng suất lao động, Moody’s nhận định nếu thế giới thu hẹp được khoảng cách giới trong lực lượng lao động và trong quản lý, nền kinh tế toàn cầu có thể hưởng lợi 7.000 tỷ USD. Chung nhận định này, báo cáo do Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), công bố tháng 4 năm ngoái, cho thấy việc thu hẹp khoảng cách về giới trong lĩnh vực nông nghiệp và lương thực có thể mang lại gần 1.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu. Mới nhất, trong báo cáo thường niên lần thứ 10, công bố hôm 05/03, về Phụ nữ, Kinh doanh và Pháp luật, Ngân hàng thế giới (WB) nhận định việc chấm dứt các quy định và những hành vi phân biệt đối xử cản trở vai trò của nữ giới trong công việc cũng như khởi nghiệp có thể giúp tăng hơn 20% GDP toàn cầu trong thập kỷ tới. 

Vai trò của phụ nữ trên thế giới - ảnh 2Ông Jean-Pierre Lacroix, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các chiến dịch hòa bình. Ảnh: Quang Huy/Vietnam+

Không chỉ có vai trò to lớn trong lĩnh vực kinh tế, nữ giới cũng ngày càng quan trọng hơn trong việc tham gia vào các tiến trình chính trị, ở quy mô quốc gia và thế giới, cũng như trong việc thúc đẩy đối thoại, duy trì hòa bình trên thế giới. Jean-Pierre Lacroix, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các chiến dịch hòa bình, cho biết: “Việc có thêm nữ giới và trao thêm nhiều quyền lực cho nữ giới trong các hoạt động gìn giữ hòa bình là vô cùng quan trọng, bởi không thể tạo dựng hòa bình bền vững nếu không có nữ giới. Ngoài ra, các chiến dịch gìn giữ hòa bình cần phải phản ánh thực tế của các cộng đồng mà LHQ phụng sự và ở các cộng đồng này, tỷ lệ nam-nữ là 50-50. Do đó chúng tôi có nghĩa vụ đảm bảo bình đẳng giới trong nhiệm vụ của mình”.

Nhiều thách thức về bình đẳng giới

Tuy nhận thức về vai trò quan trọng của nữ giới đã có thay đổi lớn trong những năm qua nhưng nữ giới ngày nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận cơ hội và tìm kiếm các vị thế tương xứng hơn trong xã hội. Báo cáo của Moody’s năm ngoái cho thấy càng lên các vị trị quản lý cấp cao hơn, tỷ lệ nữ giới càng thấp. Bên cạnh đó, trong một số lĩnh vực có sự tăng trưởng đột phá và hứa hẹn là động lực kinh tế toàn cầu trong tương lai, như: công nghệ, kinh tế số, tỷ lệ nữ giới tham gia và lãnh đạo vẫn ở mức thấp, khiến nữ giới có thể bị lỡ các cơ hội gia tăng thu nhập trong tương lai. Tiếp đến, trong bối cảnh các thách thức về biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn với các quốc gia và cộng đồng, nữ giới cũng chịu thiệt thòi hơn nam giới. Bà Lauren Philips, Phó Giám đốc bộ phận Chuyển đổi nông thôn và bình đẳng giới của FAO, nhận xét: “Biến đổi khí hậu là thách thức lớn với người nghèo, và đặc biệt với nữ giới. Bởi lẽ nữ giới không dễ dàng thích ứng với biến đổi khí hậu như nam giới và nữ giới không được tiếp cận nhiều với các nguồn lực, tài sản, dịch vụ cho phép họ thích ứng được với các thách thức mà biến đổi khí hậu đặt ra”.

Các thách thức toàn cầu mới buộc nữ giới phải tham gia và có vai trò lớn hơn trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực mà khoảng cách giới vẫn chưa được thu hẹp đáng kể. Phát biểu hôm 11/02, nhân Ngày Quốc tế phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Dennis Francis, cho biết: “Theo Viện Thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ – UNESCO, chỉ có 33% số nhà nghiên cứu trên thế giới là nữ giới. Con số thấp đáng lo ngại này cũng tương tự như khoảng cách thu nhập trong giới khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), nơi thu nhập của nữ giới thấp hơn 33% so với đồng nghiệp nam”

Nhằm thay đổi thực trạng đó, LHQ đã ra lời kêu gọi bình đẳng giới trong khoa học, cho rằng sự tham gia bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái trong khám phá và đổi mới khoa học là cách duy nhất để ứng phó bền vững với các thách thức toàn cầu, trước mắt là thúc việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 theo nghị trình của LHQ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu