Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các đối tác

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Hoa Kỳ lập kênh đối thoại, trao đổi với các bộ, ngành Việt Nam để có thông tin đầy đủ khi đánh giá về quan hệ thương mại và chính sách tỷ giá của Việt Nam.

Những ngày qua, một số thành viên Chính phủ Việt Nam đã, đang có những chuyến thăm, làm việc quan trọng với nhiều đối tác ở châu Âu, châu Mỹ. Điểm nổi bật của những chuyến công du này là tăng cường hợp tác về chính trị và thúc đẩy giao lưu thương mại giữa Việt Nam và các đối tác, mở ra triển vọng phát triển mới cho các bên. 

Những ngày đầu tháng 7 diễn ra chuyến thăm chính thức Hy Lạp, Bulgaria của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Song song với đó là chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Liên bang Brazil (2/7), thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 25-27/6) của Phó thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế Vương Đình Huệ. Trước đó là chuyến làm việc với Cao ủy Thương mại EU của Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh.

Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các đối tác - ảnh 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan. - Ảnh: VGP/Thành Chung

Kêu gọi châu Mỹ tăng cường đầu tư

Có điểm chung trong chuyến thăm 2 quốc gia châu Mỹ của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ là thúc đẩy hợp tác kinh tế. Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Đối tác toàn diện của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Hoa Kỳ lập kênh đối thoại, trao đổi với các bộ, ngành Việt Nam để có thông tin đầy đủ khi đánh giá về quan hệ thương mại và chính sách tỷ giá của Việt Nam; quan tâm thúc đẩy để Hoa Kỳ hoàn tất thủ tục phê duyệt Hiệp định song phương về tránh đánh thuế hai lần; mở lại kênh cho vay ODA và vay ưu đãi cho Việt Nam để thực hiện các dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển. Trong dịp này, hợp đồng mua 20 máy bay Boeing 787 trị giá hơn 5.6 tỷ USD giữa hãng Hàng không Tre Việt và hãng Boeing được ký kết. Các cơ quan hải quan hai nước cũng  đã đạt được phương án kết thúc đàm phán Hiệp định hợp tác song phương về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan (CMAA).    

Trong chuyến thăm chính thức Brazil, ngoài các thoả thuận đã được ký kết tại thủ đô Brasilia về hàng không, nông nghiệp và hợp tác giữa hai Phòng Thương mại-Công nghiệp hai bên, Việt Nam và Brazil đang cơ bản hoàn tất hợp tác về công nghiệp quốc phòng, bàn tới việc ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Với những kết quả này thì quan hệ thương mại đầu tư hai bên sẽ tốt hơn trong thời gian tới với các chương trình, hoạt động cụ thể.

Việt Nam có thể trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu của Brazil về ngô, đậu tương và sẽ xem xét nhập khẩu thịt bò. Brazil cũng sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cà phê, cá tra, tôm của Việt Nam. Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác, đầu tư với Brazil trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp an toàn, du lịch, giáo dục và đào tạo, dược phẩm...

Hoàn tất nhiều thỏa thuận thương mại quan trọng với châu Âu

Một trong những vấn đề nổi lên trong quan hệ thương mại Việt Nam và EU thời gian này là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Cuối tháng 6 vừa qua, trong chuyến làm việc của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh với  Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström tại Brussels (Bỉ), Hiệp định quan trọng này đã được 2 bên kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý để chuẩn bị tiến tới chính thức ký kết và sau đó là phê chuẩn. Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Tiếp sau chuyến công tác của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ở châu Âu (cuối tháng 5),chúng tôi đã có chuyến làm việc với cao ủy EU và kết quả mới nhất là kết thúc rà soát pháp lý, chuyển sang phần dịch thuật  và chuẩn bị các quy trình để ký kết EVFTA. Kế hoạch là sẽ ký kết vào cuối năm và sau đó là phê chuẩn tại nghị viện vào đầu năm 2019. Nếu trình tự này chúng ta đạt được, sẽ tạo điều kiện rất tốt trong khai thác và phục vụ xuất khẩu trong những năm tới. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng”.

Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các đối tác - ảnh 2Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thương mại Cecilia Malmström - Ảnh: Kim Chung/TTXVN

Song song với việc hoàn tất rà soát pháp lý về EVFTA thì việc văn kiện này được các nghị viện EU phê chuẩn là rất quan trọng. Trong chuyến  thăm chính thức Cộng hòa Hy Lạp từ ngày 01-02/7, thăm chính thức Cộng hòa Bulgaria từ 03-05/7 của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh,  lãnh đạo 2 quốc gia này đều bày tỏ ủng hộ việc ký và sớm phê chuẩn EVFTA, góp phần tạo thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với EU nói chung và với từng nước nói riêng.

Trên bình diện quan hệ thương mại song phương, dịp này, Việt Nam và Hy Lạp nhất trí sẽ đẩy mạnh trao đổi, buôn bán các mặt hàng thế mạnh như vận tải biển và logistic, đóng tàu, khai thác cảng biển, du lịch, chế biến nông sản...Hai bên nhất trí việc đàm phán ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định vận tải hàng hải. Việt Nam và Hy Lạp cũng nhất trí tiếp tục thực hiện một cách hiệu quả Bản ghi nhớ Thỏa thuận hợp tác về du lịch Việt Nam - Hy Lạp đồng thời cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giáo dục - đào tạo, khảo cổ, trao đổi văn hóa.

Đối với Bulgaria, hai bên thống nhất thí điểm các mô hình liên doanh sản xuất và cung ứng trực tiếp vào thị trường châu Âu và các nước, các khu vực khác trên thế giới, sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 24 Uỷ ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và kỳ họp lần thứ 5 của Uỷ ban Liên chính phủ về hợp tác khoa học - công nghệ, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tìm hiểu thị trường và đầu tư.

Cùng với quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là trọng tâm và động lực của quan hệ song phương giữa Việt Nam và các đối tác. Việc Việt Nam thúc đẩy giao lưu thương mại sẽ đưa hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu và củng cố vị thế của Việt Nam trong cộng đồng khu vực và quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu