Thế giới với việc xây dựng và hoàn thiện các quy định giám sát AI

Chia sẻ
(VOV5) - Ưu tiên của EP là bảo đảm các hệ thống AI được sử dụng ở Liên minh châu Âu (EU) an toàn, minh bạch, có thể giám sát, không phân biệt đối xử và thân thiện với môi trường.

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hôm 18/07, đã tổ chức cuộc họp đầu tiên về những mối nguy cơ tiềm ẩn của công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) đối với hoà bình và an ninh quốc tế. Được xem là một đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ Trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều tiềm năng to lớn, song cũng đặt ra những thách thức với thế giới loài người.

Trí tuệ nhân tạo đang có mặt trong mọi mặt đời sống hằng ngày. Từ phần mềm nhận diện khuôn mặt đến các trợ lý ảo...của điện thoại thông minh đều ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hay những gợi ý về tin tức, các đoạn video, các bản nhạc trên các mạng xã hội, những trải nghiệm mua sắm trực tuyến… đều do trí tuệ nhân tạo chi phối. AI cũng đã được ứng dụng đối với xe tự lái hay các robot tương tác với con người trong bệnh viện, trung tâm thương mại, trong các trường học…

 Thế giới với việc xây dựng và hoàn thiện các quy định giám sát AI - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: vietnamplus

Nguy cơ tiềm ẩn đối với hoà bình và an ninh quốc tế

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres khai mạc hội nghị với khẳng định rằng AI có tiềm năng cải thiện chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các khía cạnh khác trong cuộc sống của người dân. Liên Hợp Quốc cũng đang tận dụng công nghệ này để nhận dạng những hình thái bạo lực, giám sát các lệnh ngừng bắn và hỗ trợ cho những nỗ lực gìn giữ hòa bình. Nhưng, những công cụ AI cũng có thể bị lợi dụng cho mục đích phá hoại, khủng bố và phạm tôi, có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.

Nó có thể được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch và những việc tiêu cực khác. Nếu không hành động để giải quyết những rủi ro này, thế giới sẽ thiếu trách nhiệm đối với thế hệ hiện tại và tương lai. Do vậy, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cần tạo ra các quy tắc quốc tế để kiểm soát các rủi ro do AI gây ra. Các quốc gia cần đưa ra một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý để cấm các hệ thống vũ khí tự hành gây chết người, vào cuối năm 2026. Ngoài ra, cần thành lập một nhóm làm việc thảo luận về việc quản lý AI trên toàn cầu, theo mô hình của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế hoặc tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.

 Thế giới với việc xây dựng và hoàn thiện các quy định giám sát AI - ảnh 2 Ngoại trưởng Anh James Cleverly. Ảnh: AFP/TTXVN

Còn theo Ngoại trưởng Anh James Cleverly, nước Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an LHQ tháng 7,  công nghệ trí tuệ nhân tạo “không có biên giới” và sẽ làm thay đổi cơ bản mọi khía cạnh của cuộc sống con người, có thể tăng cường hoặc phá vỡ sự ổn định chiến lược toàn cầu.  Mục tiêu chung của thế giới là xem xét các rủi ro của AI và quyết định cách chúng có thể được giảm thiểu thông qua hành động phối hợp.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân (Zhang Jun) mô tả AI là "con dao hai lưỡi". Đại sứ cho biết Bắc Kinh ủng hộ việc thành lập cơ quan điều phối các nguyên tắc sử dụng AI. AI tốt hay xấu, thiện hay ác, phụ thuộc vào cách con người sử dụng. Và các nước nên cùng nhau điều chỉnh việc sử dụng AI.

Về phần mình, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Jeffrey DeLaurentis cho rằng các quốc gia cần hợp tác cùng nhau trong các nỗ lực quản lý AI và các công nghệ mới nổi khác, nhằm giải quyết các vấn đề về quyền con người, những nguy cơ đe dọa hòa bình và an ninh.

Hành động từ cộng đồng quốc tế

Những rủi ro tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo AI khiến nhiều nước phải lo ngại. Từ Mỹ đến châu Âu, các động thái kiểm soát đang dần được thắt chặt. Một nỗ lực mạnh mẽ hơn cả đang diễn ra tại Liên minh châu Âu, nơi đang hướng tới việc tạo ra một bộ luật đầu tiên trên thế giới về quản lý AI. Các thành viên của Nghị viện châu Âu (EP) hôm 14/6 đã bỏ phiếu thông qua quan điểm đàm phán về Đạo luật Trí tuệ nhân tạo, nhằm sớm ban hành khuôn khổ pháp lý để quản lý các hệ thống AI, song không kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này. Ưu tiên của EP là bảo đảm các hệ thống AI được sử dụng ở Liên minh châu Âu (EU) an toàn, minh bạch, có thể giám sát, không phân biệt đối xử và thân thiện với môi trường. Nếu EP và 27 nước thành viên EU đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay như mục tiêu đề ra, khối này sẽ có một bộ luật đầu tiên trên thế giới về quản lý AI.

 Trong khi đó, nhân chuyến thăm Mỹ hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Anh có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh AI vào cuối năm nay nhằm thảo luận về một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21 này.

Cũng trong tháng 6, các thượng nghị sĩ Mỹ đã giới thiệu hai dự luật liên quan đến các quy định quản lý AI. Một trong hai dự luật yêu cầu các cơ quan công quyền Mỹ thông báo minh bạch việc sử dụng công nghệ AI khi tương tác với người dân. Dự luật cũng yêu cầu chính quyền thiết lập cơ chế để người dân có thể khiếu nại về những quyết định mà AI đưa ra. Trong khi đó, dự luật còn lại đề xuất thành lập một cơ quan phân tích để bảo đảm rằng Mỹ luôn dẫn đầu trong cuộc đua phát triển AI.

Mới đây nhất, ngày 13/7, Trung Quốc đã ban hành “Biện pháp tạm thời  quản lý dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh” (quản lý thuật toán trí tuệ nhân tạo có thể sáng tác và tạo ra các nội dung, như: hình ảnh, video, âm thanh, mã code, văn bản). Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ 15/8. Đây là quy định quản lý AI đầu tiên của Trung Quốc.

Ngay cả các doanh nghiệp công nghệ cũng cảnh báo về những hậu quả khôn lường nếu công nghệ bị lợi dụng vào mục đích xấu và phát triển sai hướng, đồng thời kêu gọi giới quản lý sớm xây dựng và hoàn thiện các quy định giám sát AI.

Những lợi ích mà AI mang lại cho thế giới là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc các nền tảng số ra đời mà không được đánh giá đầy đủ về những rủi ro tiềm ẩn đối với xã hội buộc nhiều nước phải tìm cách kiểm soát để đảm bảo công nghệ này không gây nguy hiểm cho cuộc sống của con người.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu