Những định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Điểm nhấn đáng chú ý trong đợt 1 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tập trung ở việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đợt 1 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa kết thúc hôm cuối tuần qua (10/11), tại Hà Nội. Trong ba tuần làm việc (23/10 – 10/11), Quốc hội đã thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng, có định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Điểm nhấn đáng chú ý trong đợt 1 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tập trung ở việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Nâng cao hiệu quả giám sát tối cao

Ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 6, thực hiện chức năng giám sát, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đây cũng là hoạt động góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp cho các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Đặc biệt, theo quy định mới trong Nghị quyết 96 của Quốc hội, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ.

Cũng trong chức năng giám sát, một điểm nhấn đặc biệt là phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng cùng tất cả các Phó Thủ tướng và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Với phạm vi rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, 10 Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực, nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng việc Quốc hội chất vấn theo nhóm lĩnh vực vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để các “Tư lệnh ngành” thấy cần phải tăng cường trách nhiệm, phối hợp hơn nữa để tập trung giải quyết vấn đề phụ trách.

Những định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới - ảnh 1

Phiên họp chiều ngày 10/11/2023. Ảnh:quochoi.vn

Sau 2,5 ngày chất vấn, có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Những con số ấn tượng phần nào cho thấy không khí chất vấn sôi nổi, thẳng thắn, không né tránh, hỏi đến tận cùng vấn đề. Đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội, cho biết: Không phải chỉ có 1 Bộ trưởng mà khi 1 vấn đề đặt ra có thể liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, thì chủ tọa đã yêu cầu các thành viên khác của Chính phủ trả lời bổ sung.

Ngoài ra, trong đợt I, Quốc hội tiến hành phiên giám sát tối cao việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các đại biểu đều tán thành cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của 3 chương trình chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2024 và thống nhất hệ thống văn phòng điều phối chung của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao chất lượng hiệu quả phối hợp, lồng ghép trong thực hiện, triển khai.

Tạo sức bật cho tăng trưởng

Một điểm nhấn trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 6, là Quốc hội đã dành thời gian để thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với đa số phiếu tán thành. Nghị quyết đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5%, một mục tiêu đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm rất cao của cả hệ thống.  Đại biểu Trịnh Xuân An,  đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng:   Mục tiêu tăng trưởng tương đối tạo sức ép cho việc hiện thực hóa, nhưng cũng tạo nên động lực cho chính phủ và cho cả hệ thống chính trị phấn đấu để đạt được chỉ tiêu đó. Tôi đồng tình với những chỉ tiêu của Nghị quyết về kinh tế - xã hội, khi những công việc mà chúng ta dự liệu đã nhận được sự thảo luận rất kỹ lưỡng, từ đó tạo cho chúng ta cơ sở để tin về những gì có thể thực hiện được.  

Khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 6 rất lớn. Nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng vị đại biểu Quốc hội. Và những kết quả quan trọng đạt được tại đợt 1 của kỳ họp này góp phần vào thành công chung của cả kỳ họp nói riêng và tác động tích cực tới sự phát triển của đất nước nói chung.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu